Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tạo thuận lợi trong thu mua mủ cao su cho nông dân

13/08/2018

 Khác với những năm trước đây, niên vụ cao su năm nay, Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã có sự đổi mới trong khâu thu mua sản phẩm cho người dân. 


 Cùng với việc cử cán bộ về tận vườn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ, Nhà máy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thành lập các nhóm hộ và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao nhất. Việc làm này đã làm cho người trồng cao su tiểu điền rất phấn khởi và Nhà máy có được sản phẩm tốt, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ
Trong thời kỳ cao su thay lá, Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ tập trung duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị, tìm kiếm thị trường và từ đầu tháng 6/2018 đã tổ chức thu mua, chế biến trở lại. Cho đến nay, Nhà máy đã chế biến hơn 3.000 tấn mủ tươi, tương đương 1.500 tấn mủ khô, doanh thu đạt khoảng 39 tỷ đồng. Từ nay đến khoảng cuối tháng 2 năm sau, phấn đấu thu mua, chế biến khoảng trên 3.000 đến 3.200 tấn mủ tươi.
Ông Mai Chiếm Tuấn, Trưởng Phòng Tổng hợp, Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ cho biết: Hiện tại diện tích cao su tiểu điền ở Quảng Trị khá lớn, hơn 15.000 ha, trong đó riêng huyện Cam Lộ có trên 4.100 ha, trong đó có hơn 2.500 ha đã đưa vào khai thác, tổng sản lượng mủ khoảng 3.100 tấn/năm. Những năm trước đây, việc thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn do giá mủ xuống thấp, có lúc xuống đáy như niên vụ 2014 – 2015 nên người trồng cao su không mặn mà với việc cạo mủ. Mặt khác, phải cạnh tranh với nhiều cơ sở chế biến và tư thương, đã từng xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu. Sau khi tìm hiểu thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, niên vụ cao su năm 2018 – 2019, Nhà máy đã có sự đổi mới trong khâu thu mua sản phẩm. Cùng với cử cán bộ trực tiếp về tận vườn tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ, hỗ trợ máng che mưa, thuốc chống đông mủ, Nhà máy đã phối hợp với Dự án Viện Mê Kông và Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thành lập các tổ, nhóm liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Các Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cao su cam kết không bán sản phẩm qua khâu trung gian mà tổ chức cho các thành viên cùng cạo mủ 1 ngày, sau đó thuê xe, vận chuyển đến trực tiếp bán cho Nhà máy với giá cao nhất.
Với sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, trong thời gian qua, đối với những hộ ở gần thì trực tiếp chở mủ đến nhập, còn đối với những địa bàn ở xa, người dân ở các địa phương đã bán sản phẩm của mình thông qua Tổ hợp tác. Việc làm này đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả 2 phía, người dân được bán mủ trực tiếp, được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm làm ra mà không phải chia sẻ lợi ích với khâu trung gian. Với doanh nghiệp thì tìm được nguồn hàng ổn định lâu dài với chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo yêu cầu của các đối tác.
Ông Trần Xuân Tảo, người dân xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết: Gia đình ông có 3 ha cao su, trong đó có 2,5 ha đã đưa vào khai thác. Mấy năm trước đây, khi đến mùa cạo mủ, ông và bà con trong xã rất phiền toái vì thường bị tư thương chèo kéo giá cả thu mua, nay tham gia vào Tổ hợp tác, thấy rất thuận lợi, chỉ cần cạo xong, biết số lượng của mình, trong vài tiếng đồng hồ Tổ trưởng đem tiền về cho từng hộ.
Những năm trước đây, khi đến thời kỳ khai thác mủ cao su, người dân rất lo lắng trong khâu tiêu thụ vì thường bị tư thương ép giá và Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ cũng gặp không ít khó khăn trong khâu thu mua. Còn niên vụ cao su năm nay, với việc hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật và tổ chức thu mua qua nhóm hộ, Nhà máy đã mở ra hướng đi bền vững, bao tiêu sản phẩm, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành chuỗi liên kết giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là việc làm thực sự có ý nghĩa, làm cho người trồng cao su tiểu điền rất phấn khởi và Nhà máy có được sản phẩm tốt, tăng doanh thu và lợi nhuận.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>