Tin tức >> Tin cao su trong nước

Sáng tạo làm giàu

21/01/2019

 Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Bù Đăng chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. 


 Các mô hình đa canh đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Anh Điểu Hải (1980), dân tộc S’tiêng ở xã Đoàn Kết là một điển hình về áp dụng thành công thực hiện đa canh trên diện tích hơn 12 ha cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

20 tuổi, anh Điểu Hải lập gia đình và ra ở riêng. Cần cù, chịu khó, vợ chồng anh tập trung mở rộng diện tích trồng điều xen cây ngắn ngày để ổn định kinh tế. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại biết tính toán nên đến nay, gia đình anh Hải đã có hơn 12 ha rẫy, trong đó 8 ha điều xen cà phê và tiêu; 3 ha cao su, 1 ha sầu riêng, 5 sào cây lá nhíp.
Anh Điểu Hải thu hoạch mủ cao su bằng phương pháp ép khí ethylene
Anh Điểu Hải cho biết, trước đây tuy diện tích đất sản xuất nhiều nhưng thu nhập thấp. Với khát vọng làm giàu, anh đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, học tập kinh nghiệm những mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Và anh thấy rằng, nếu chỉ độc canh cây điều thì dễ gặp rủi ro do thời tiết và sâu bệnh. 3 năm trở lại đây, nhiều nơi trên địa bàn huyện Bù Đăng, diện tích điều mất trắng. Vì vậy, anh áp dụng mô hình đa canh. Nơi gần nguồn nước anh đào ao nuôi cá. Khu vực đất bằng phẳng thì trồng cao su, vị trí dốc trồng điều xen cà phê, tiêu, lá nhíp... Việc phát triển cách làm đa canh giúp gia đình anh Hải luôn có nguồn thu ổn định, mỗi năm gần tỷ đồng.
Anh Điểu Hải cho biết, bí quyết thành công là đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: “Làm nông nghiệp mà không có kỹ thuật thì rủi ro, thất bại là khó tránh”. Minh chứng lời nói của mình, anh Hải đưa chúng tôi đến tham quan thu hoạch mủ cao su của gia đình bằng phương pháp ép khí ethylene. Ưu điểm của phương pháp này là ai cũng làm được, lấy mủ được cả ngày mưa, kéo dài thời gian khai thác, phục hồi và tăng năng suất cho vườn kém mủ, gia tăng sản lượng mủ. Tuy nhiên, phương pháp ép khí khoan lấy mủ phải làm đúng kỹ thuật, có dụng cụ bơm khí định lượng chính xác để lấy lượng mủ ổn định, không làm ảnh hưởng cây.
Bên cạnh đó, mùa điều 2017 – 2018, anh thử nghiệm bón phân vi sinh trên diện tích 1 ha, kết quả năng suất đạt 2,5 tấn/ha. Thấy khả quan, mùa điều 2018 – 2019, anh Hải chuyển qua bón phân vi sinh cho cả diện tích điều của gia đình. Đến thời điểm này, điều phát triển tốt, cây ít bệnh, hoa nhiều, sai trái và bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ vận động, giúp đỡ người dân về vốn, giống cây trồng, với kinh nghiệm của bản thân, anh Hải còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giúp người dân trong thôn phát triển kinh tế. Anh tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhiều năm liền giữ chức Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng nông dân thôn 1 và nhiều năm liền là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Đoàn Kết cho biết: “Là đảng viên dám nghĩ, dám làm, anh Điểu Hải đã vượt qua khó khăn, mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Với những suy nghĩ và việc làm tích cực của mình, anh Hải là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế của địa phương”. 
Xuân Túc, nguồn: http://www.baobinhphuoc.com.vn/Content/sang-tao-lam-giau-35211, ngày 12/01/2019 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>