Tin tức >> Tin cao su trong nước

Rừng cao su: Từ góc nhìn quản lý phát triển bền vững

03/02/2020

Ở Việt Nam, đóng góp của cây cao su đã được công nhận trong nền kinh tế quốc gia và phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn cũng như phủ xanh đất trống, đồi trọc.


 Description: Ảnh: Ng.Cường

Ảnh: Ng.Cường
Xu hướng thế giới và chính sách Việt Nam về phát triển bền vững
Thế giới và Việt Nam đang chứng kiến ngày càng tăng tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu như lũ lụt, gió bão, nắng hạn… Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng  minh  các  hiện tượng khí hậu cực đoan là  hậu  quả  của việc xả thải các chất ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính như Cacbon đioxit (CO2); Dioxit Sunfua (SO);  Cacbon monoxit (CO);  Nitơ  oxit  (NO); Clorofluorocacbon (CFC) và Mêtan  (CH4). Trong đó, khí nhà kính chiếm nhiều là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí…), các hoạt động phá hủy bể chứa carbon của rừng, sản xuất nông nghiệp không bền vững như đốt rừng khai hoang đất hoặc đốt hủy thảm thực vật thay vì chôn lấp, sử dụng phân bón và hóa chất quá nhiều….
Những phê phán gay gắt của các nhà bảo vệ môi trường trên thế giới đối với ngành cao su chủ yếu tập trung vào việc trồng cao su trên đất rừng chuyển đổi trái phép làm giảm diện tích rừng, canh tác không bền vững gây xói mòn đất, độc canh cao su gây rủi ro về thu nhập khi giá cả biến động và làm giảm sự đa dạng sinh học trên quy mô lớn. Vì vậy, cộng đồng cao su quốc tế và nhiều tổ chức có thiện chí đang nỗ lực tìm giải pháp để ngành cao su thiên nhiên phát triển bền vững hơn.
Ở Việt Nam, đóng góp của cây cao su đã được công nhận trong nền kinh tế quốc gia và phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn cũng như phủ xanh đất trống, đồi trọc. Tuy nhiên, một số mặt hạn chế của sản xuất cao su chưa bền vững đã bộc lộ trước yêu cầu mới của thị trường và xã hội. Do đó, vai trò của cây cao su cần được nâng cao hơn nữa để đáp ứng xu thế phát triển bền vững, gắn trách nhiệm nâng cao hiệu quả kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội, giảm thiểu rủi ro do tác động tiêu cực của khí hậu cực đoan và biến động của thị trường. Nhận thức được yêu cầu này, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ngành cao su phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sản xuất sạch, ngưng trồng cao su trên đất rừng, hướng đến được chứng nhận bền vững theo các tiêu chí của quốc gia và quốc tế…
Description: Ảnh: Ng.Cường
Ảnh: Ng.Cường
Tiếp cận các tiêu chuẩn phát triển và quản lý rừng bền vững
Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã khuyến khích và hỗ trợ các thành viên đăng ký danh hiệu Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Hội đồng) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá và xét chọn. Bộ chỉ số thẩm định năm 2019 của Hội đồng có 98 chỉ số, liên quan đến quản trị doanh nghiệp; bảo vệ môi trường và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, quan hệ xã hội và phát triển cộng đồng.
Ngày 26/11/2019, Hội đồng và VCCI đã công bố tại Hà Nội danh sách 106 doanh nghiệp dẫn đầu về việc thực hiện phát triển bền vững, trong đó, có 10 doanh nghiệp là thành viên của VRG, gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty CP Cao su Đồng Phú, Công ty CP Cao su Tân Biên, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty CP Cao su Phước Hòa, Công ty CP Cao su Tây Ninh, Công ty CP Khu Công nghiệp Tân Bình.
Kết quả này cho thấy doanh nghiệp ngành cao su có năng lực đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững, và là động lực giúp các công ty này tiếp tục phát huy ưu thế để tiến đến đạt các chứng nhận phát triển bền vững của quốc tế. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp khác trong ngành cao su Việt Nam phấn đấu được công nhận trong các năm sau.
Bên cạnh việc tham gia thực hiện Bộ  tiêu chí Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam của VCCI, 3 trong số 10 thành viên trên (Bình  Long,  Dầu  Tiếng,  Phú  Riềng)  đã được VRG  khuyến khích xây  dựng phương  án  quản lý rừng bền vững theo Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 nhằm thực hiện Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017 và Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Theo đó, các chủ rừng là tổ chức hoặc hộ liên kết có trên 2.000 ha rừng cao su phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
Bước đầu trong quá trình xây dựng phương án quản lý rừng cao su bền vững, các công ty đã gặp một số khó khăn do cần cải tiến một số quy trình kỹ thuật trong khâu chuẩn bị đất tái canh chống xói mòn; quản lý nghiêm ngặt cây trồng xen, hóa chất, chất thải; khai thác gỗ cao su với tác động thấp, tăng cường xử lý chất thải tại các điểm giao nhận mủ ở vườn cây… Tuy nhiên, hầu hết các cấp lãnh đạo và cả cán bộ, công nhân thực hiện đều đồng thuận nhận thức quản lý rừng cao su theo các giải pháp bền vững sẽ mang đến những lợi ích trước mắt và lâu dài.
Được công nhận và được cấp chứng chỉ rừng cao su bền vững theo tiêu chí của Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và vị thế đối với khách hàng cần tìm nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên bền vững, đồng thời, tăng năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ tiếp cận nhanh với các tiêu chuẩn và chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng bền vững. Trong tương lai, việc tăng cường bảo vệ đất, giảm hóa chất, tận thu chất thải, hạn chế cày xới và đốt thảm thực vật, tăng hiệu quả sử dụng đất với nguồn thu đa dạng từ những mô hình nông lâm kết hợp giá trị cao… không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư mà còn nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.
Góc nhìn từ các tổ chức quản lý phát triển bền vững đối với doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam
Kết quả công nhận của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho 10 doanh nghiệp thành viên của VRG trong năm 2019 và việc tiên phong tham gia xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo bộ tiêu chí của Việt Nam cho thấy từ góc nhìn của các cơ quan chức năng đánh giá về phát triển và quản lý bền vững, doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia.
Để khả năng phát triển và quản lý rừng cao su bền vững lan tỏa trong toàn ngành cao su Việt Nam, hướng đến đạt tiêu chuẩn và chứng chỉ quốc tế, còn nhiều việc phải làm từ doanh nghiệp và các đơn vị hỗ trợ. Trong đó, các quy trình kỹ thuật sản xuất và quản lý điều hành trong hoạt động, kinh doanh cần tiếp tục cải tiến để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, truyền thông rộng rãi là một công cụ hữu ích để xã hội có điều kiện tham gia đóng góp những hạn chế cần khắc phục và khẳng định những mặt mạnh mà doanh nghiệp đã đạt được trong các hoạt động hướng đến phát triển bền vững.
TS. Trần Thị Thúy Hoa, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/rung-cao-su-tu-goc-nhin-quan-ly-phat-trien-ben-vung.html, ngày 27/01/2020 (TH trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>