Tin tức >> Tin cao su trong nước

Quảng Nam tìm hướng thay thế cây cao su bị ngã đổ sau bão số 9

21/12/2020

Sau bão số 9, nông dân tỉnh Quảng Nam tranh thủ dọn dẹp các vườn cao su bị ngã đổ, cắt gỗ bán cho thương lái để vớt vát tiền vốn đầu tư...


Cây cao su ngã đổ sau bão số 9

Nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Nam gầy dựng vườn cao su gần chục năm chưa thu hồi vốn đã bị bão số 9 quật ngã nằm la liệt. Việc tìm kiếm cây trồng mới thay thế cây cao su cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam kiến nghị sớm thay thế cây cao su bằng một số cây trồng khác ổn định hơn.Những ngày qua, nông dân ở tỉnh Quảng Nam tranh thủ dọn dẹp các vườn cao su bị ngã đổ, cắt gỗ bán cho thương lái để vớt vát tiền vốn đầu tư. Người dân dùng cưa máy phân khúc thân cây rồi vận chuyển ra lề đường bán gỗ, củi. Đến nay, còn rất nhiều diện tích cao su ngã đổ do bão số 9 vào tháng 10 vừa qua vẫn chưa được dọn dẹp.
Bà Phạm Thị Xuyên, trú xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia đình bà trồng 2ha cao su từ năm 2013, thời gian qua do giá cao su thấp nên bà chưa khai thác. Bão số 9 ào qua làm hư hỏng nửa diện tích cao su của gia đình bà Xuyên, phần còn lại khó có khả năng phục hồi."Diện tích tôi trồng cao su 2ha, hiện đã hư hơn 1ha rồi. Cây cao su bị ngã tôi bán 60.000 đồng/cây. Hiện tại vẫn chưa biết trồng lại cây gì. Cây keo cũng vậy, cao su cũng ngã rồi. Bỏ biết bao nhiêu là vốn nhưng chưa lấy được bao nhiêu. Giờ tôi mong muốn làm lại cây gì cho khỏi bão và có kinh tế", bà Xuyên chia sẻ.
Bà Phạm Thị Xuyên tiếc nuối vườn cao su của gia đình bị bão số 9 quật ngã nằm la liệt
Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam có 50.000ha đất trồng cây cao su, tuy nhiên tỉnh này mới phát triển được 14.000ha. Trong đó, huyện Hiệp Đức chiếm một nửa diện tích, còn lại là ở huyện Núi Thành, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang...Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, bão số 9 đã làm hơn 1.600ha cây cao su của doanh nghiệp và người dân huyện Hiệp Đức bị gãy đổ. Địa phương kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng về cây trồng lâm nghiệp và cây công nghiệp cao su; đồng thời nghiên cứu chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai."Bây giờ kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam cho chuyển đổi cây cao su, bởi vì cây cao su ở huyện Hiệp Đức khi bão lụt không phù hợp nữa. Riêng cây cao su đại điền sẽ kiến nghị với tỉnh làm việc với Tập đoàn thôi không làm nữa, vì làm rất khó khăn và không hiệu quả. Bây giờ có 3 hướng để làm: Một là làm nông nghiệp công nghệ cao; hai là chuyển qua làm chăn nuôi tập trung, chăn nuôi quy mô lớn; ba là trồng rừng gỗ lớn", ông Công nói.
Hiện giá gỗ, củi cao su rất thấp
Ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, cơn bão số 9 vừa qua gây tổn thất nặng về cây trồng trên địa bàn tỉnh. Hơn 4.000ha cây cao su của doanh nghiệp và người dân bị hư hỏng, chiếm 30% cây cao su toàn tỉnh. Ông Hưng khẳng định, tỉnh này sẽ không phát triển thêm cây cao su nữa."Cao su đại điền thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thì Tập đoàn có kế hoạch tính toán lại. Còn riêng cao su tiểu điền thì bà con cũng đã chuyển đổi nhiều rồi. Hiện nay do thiệt hại này thì chắc những diện tích bị thiệt hại bà con sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác, làm sao để ít thiệt hại hơn", ông Lê Minh Hưng thông tin thêm./.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>