Tin tức >> Tin cao su trong nước

Quan tâm tới sinh kế của người trồng cao su

16/02/2017

 Giá mủ cao su giảm, tiền công thấp, nên rất cần chính quyền địa phương và các công ty cao su ở Tây Bắc có những chính sách hỗ trợ, thực hiện công tác an sinh xã hội để bảo đảm đời sống cho người trồng cao su trong thời gian chờ cây “mở miệng”.


 “Tìm” thêm thu nhập

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, tỉnh đã đưa cây táo mèo, cây quế vào trồng trên diện tích đã quy hoạch phát triển cây cao su để cải thiện đời sống đồng bào dân tộc. Người dân trồng loại cây này sẽ được hưởng tiền công và ăn chia sau khi thu hoạch. Trong thời gian đầu tiến hành phát triển trồng cây cao su, người dân góp đất đã được trả tiền hỗ trợ sản xuất và cây giống để trồng xen kẽ dưới tán cao su. 
Công nhân Công ty CP Cao su Điện Biên cạo thí nghiệm vườn cây đã cho mủ
Công ty CP Cao su Lai Châu II khuyến khích người dân làm cỏ, mua cây ngắn ngày hợp lý để trồng dưới tán cây cao su. Quỹ mái ấm Công đoàn của Công ty đã hỗ trợ làm 40 ngôi nhà cho công nhân, mỗi ngôi nhà được hỗ trợ 30 triệu đồng. Công ty cũng đầu tư xây dựng một trường mầm non trên địa bàn.
Anh Lý A Sì, dân tộc Mông ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: “Tôi lấy vợ, ít ruộng nương nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 2010, cả hai vợ chồng được Công ty CP Cao su Lai Châu IInhận vào làm công nhân và cấp đất, hỗ trợ 30 triệu đồng từ “Quỹ mái ấm Công đoàn” để dựng nhà gần tổ đội sản xuất”. Ngôi nhà gỗ 3 gian kiên cố, gần đường quốc lộ liên tỉnh nên rất thuận lợi khi đi làm và con cái tới trường. Lúc nông nhàn, vợ anh Lý A Sì là chị Sùng Thị Mỷ còn tranh thủ mua vải và phụ kiện để may trang phục dân tộc Mông bán kiếm thêm thu nhập.
Tại Công ty CP Cao su Điện Biên, để chuẩn bị cho công tác “mở miệng” diện tích cao su đến thời cho mủ, 300 công nhân đã được tập huấn kỹ thuật khai thác mủ. Chị Quàng Thị Ánh, dân tộc Thái ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (Điện Biên) có 3 ha đất trồng cao su, chị đã tham gia làm công nhân được 5 năm. Là công nhân lành nghề nên chị Ánh được chọn tham gia tập huấn kỹ thuật khai thác mủ. Chị Ánh chia sẻ: “Ngày trước, diện tích đất của gia đình có nhưng sản xuất không hiệu quả, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Góp đất và tham gia công nhân trồng cao su, thu nhập của tôi cũng đủ chi tiêu. Ngày lễ Tết, ốm đau, lãnh đạo Công ty quan tâm hỏi thăm, tặng quà và giúp đỡ về kinh tế. Tôi mong cây cao su sớm được khai thác để nâng cao thu nhập”.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên cho biết: “Dù giá cao su trên thị trường giảm, nhưng hiện nay đang có chiều hướng tăng lên. Trong thời gian chờ khai thác mủ, chúng tôi luôn quan tâm chia sẻ và hỗ trợ người dân tham gia góp đất và trồng cao su”. Theo ông Lợi, Công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng làm căn cứ pháp lý ăn chia sản phẩm khi khai thác mủ. Khi tiến hành khai thác, công nhân sẽ được trả lương ít nhất là 4 triệu đồng/tháng. Mủ cao su mà người góp đất được ăn chia 10%, Công ty sẽ giúp mua lại để tìm thị trường tiêu thụ. 
Dù giá mủ cao su cao hay thấp thì người dân vẫn có thu nhập... Công ty cũng đang tìm thêm việc để công nhân có tiền công như trồng cây sa nhân, cây xạ đen dưới tán cây cao su. Mỗi ngày công, công nhân được trả 100.000 đồng. Theo kế hoạch Công ty sẽ trồng hàng nghìn hécta. Tuy nhiên, khó khăn của Công ty là tỉnh Điện Biên không thực hiện như các tỉnh lân cận, cấp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích cao su.
Quan tâm đến an sinh xã hội
Công ty CP Cao su Sơn La cũng đã thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội và có hàng loạt biện pháp trong giai đoạn khó khăn. Dù giá mủ cao su thấp, nhưng Công ty đã cố gắng đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cho 500 công nhân và tiến hành cạo mủ 150 ha (tổng diện tích thời kỳ thu mủ là gần 6.200 ha). Dự kiến, những năm tới Công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến và tiến hành khai thác mủ theo kế hoạch.
Theo lãnh đạo Công ty CP Cao su Sơn La, đơn vị đã điều tiết lao động phù hợp, khuyến khích người dân chủ động kiếm việc làm thêm. Công ty đã cho 1.200 hộ góp đất vay vốn không lãi suất trong 3 năm để mua bò chăn nuôi. Đàn bò phát triển tốt, ban đầu các hộ nuôi 1.300 con, nay đã phát triển lên 21.000 con. Hiện Công ty CP Cao su Sơn La có khoảng 2.200 công nhân và hơn 1.000 người nhận khoán công, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2010, Công ty CP Cao su Sơn La đã thành lập quỹ “Vì bệnh nhân nghèo”, hỗ trợ 200.000 đồng cho mỗi bệnh nhân phải chuyển đi bệnh viện. Công ty đã mua xe cứu thương và có lực lượng y sỹ để giúp chuyển miễn phí bệnh nhân tới bệnh viện, nếu bệnh nhân tự đi thì Công ty sẽ hỗ trợ tiền. Công ty đã đầu tư xây dựng 14 nhà trẻ và hỗ trợ tiền xăng xe cho giáo viên đứng lớp, hiện đang có 572 cháu học.
Dù chưa bù đắp được hết khó khăn nhưng với những sự quan tâm, hỗ trợ trên, cán bộ, công nhân và người dân trồng cao su tiếp tục hy vọng về cây “vàng trắng” giúp thoát nghèo ở miền núi Tây Bắc.
Bài và ảnh Việt Hoàng, nguồn: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/quan-tam-toi-sinh-ke-cua-nguoi-trong-cao-su-20170208190612747.htm, ngày 13/02/2017 (CN trích dẫn) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>