Tin tức >> Tin cao su trong nước

Phát triển rừng trồng gỗ lớn và quản lý bền vững

21/06/2017

 Ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế xây dựng kế hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn trong giai đoạn 2017 – 2020; trong đó toàn tỉnh đưa 13.000 ha vào trồng cây rừng gỗ lớn. 


 Ảnh minh họa. (Nguồn: thiennhien.net)

Trong số diện tích trồng rừng gỗ lớn vừa nêu, các địa phương đặt mục tiêu nâng tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC – Forest Stewardship Council (Hội đồng quản lý rừng) lên 40% so với diện tích rừng gỗ lớn, tương đương 5.000 ha rừng trồng sản xuất sử dụng giống cây lâm nghiệp thân thiện với môi trường. 
Năm 2017, toàn tỉnh có kế hoạch mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ FSC tại 6 huyện, thị xã với 32 xã, phường, thị trấn tham gia. 
Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công ty Scansia Pacific triển khai kế hoạch quản lý rừng bền vững theo hướng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. 
Qua khảo sát, đánh giá của Tổ chức Tư vấn Quốc tế (GFA), trên địa bàn tỉnh hiện có gần 4.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC; trong đó, trên 3.000 ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong và trên 950 ha rừng của 14 nhóm hộ (241 hộ) tại 11 xã, phường thuộc 4 địa phương (huyện Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà, Hương Thủy). 
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng theo chứng chỉ FSC là điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các sản phẩm rừng trồng của nông hộ, doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, phát triển kinh tế, góp phần an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. 
Tuy nhiên, khó khăn cho các nhóm hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn hiện nay là phải có nguồn vốn để kéo dài tuổi rừng. Công ty Scansia Pacific cam kết hỗ trợ nguồn vốn với mức lãi suất thấp đối với rừng 4 năm tuổi trở lên và sẽ thu mua gỗ từ rừng trồng gỗ lớn của các hộ dân đã được cấp chứng chỉ FSC với giá mua cao hơn thị trường từ 15 – 20%. 
Đối với cây giống, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, sản xuất cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô thay thế lai hom trên cây keo lai. 
Đối với cây keo lai, rừng trồng từ keo lai hom trước đây thường có tuổi thọ 6 – 7 năm, sau thời gian này cây có hiện tượng rỗng ruột, ra hoa, cây bị nấm bệnh. Điều này đã được khắc phục bằng biện pháp nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô cây keo lai. 
Ưu điểm của nuôi cấy mô keo lai là tái tạo được sự non trẻ (hay làm trẻ hóa những cây thân gỗ). Giống keo lai được sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô đỉnh sinh trưởng có sức sống cao, ưu thế hơn trong sản xuất gỗ lớn, tuổi thọ keo lai mô kéo dài đến hơn 10 năm. 
Đến nay, cây giống sản xuất bằng phương pháp này được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão. Nếu những năm trước, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50 – 60 m3/ha thì nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt 100 – 120 m3/ha, tăng gấp hai lần. 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, các địa phương trong tỉnh phát triển trên 85.000 ha rừng trồng và hơn 9.000 ha rừng trồng cây công nghiệp, đặc sản. 
Tuy nhiên, người trồng rừng thường chỉ trồng và chăm sóc trong khoảng 4 – 5 năm đã khai thác để bán nguyên liệu gỗ dăm nên giá trị sản phẩm gỗ nhỏ rất thấp, bình quân khoảng 60 – 80 triệu đồng/ha/cây. Trong lúc đó, nếu nuôi dưỡng rừng theo hướng trồng rừng gỗ lớn đến 7 – 8 năm, có thể cho giá trị bình quân khoảng 200 – 250 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3 lần. 
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên – Huế tập trung phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, đảm bảo tính lâu dài và bền vững trong phát triển trồng rừng kinh tế cung cấp gỗ lớn cho công nghiệp chế biến lâm sản ở những địa bàn có tiềm năng phát triển rừng. Tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người trồng rừng tham gia vào việc quản lý rừng trồng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, giảm thiểu thiệt hại cho người trồng rừng trước những rủi ro thiên tai gây ra.../. 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>