Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nông trường 4 – Phú Riềng: Kinh nghiệm quản lý tốt quy trình kỹ thuật

08/09/2016

 Trong những năm gần đây, Nông trường (NT) 4 được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đánh giá công tác quản lý quy trình kỹ thuật thu hoạch mủ có bước tiến bộ rõ rệt.


 Ảnh: Tùng Châu

Kỹ thuật cạo của đội ngũ công nhân (CN) hầu hết đã vươn lên có tay nghề giỏi và xuất sắc, điểm trừ kỹ thuật công ty kiểm tra năm sau thấp hơn năm trước 5 năm liên tục (2010 –2014), xếp tốp đầu công ty. Đạt được kết quả đó là nhờ nỗ lực cố gắng thi đua lao động sản xuất, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định trong công tác thực hiện quy trình kỹ thuật của đội ngũ cán bộ quản lý và người CN lao động trực tiếp trên vườn cây.
Trong công tác quản lý lao động – kỹ thuật, NT bố trí lao động đứng phần cây đối với những CN có tay nghề giỏi thông qua kết quả kiểm tra kỹ thuật hàng năm của Ban Kỹ thuật Nông nghiệp và kết quả tập huấn sát hạch vào đầu vụ. Đồng thời việc bố trí sắp xếp lao động phải mang tính ổn định lâu dài hàng năm, chỉ xáo trộn đối với những trường hợp đơn lẻ, mang tính cá biệt. Đây là yếu tố tác động tích cực đối với người CN trong việc gắn bó lâu dài với phần cây mình đảm nhận.
Mỗi năm khi kết thúc mùa thu hoạch mủ, NT tổ chức tổng kết chuyên ngành, đánh giá tình hình kỹ thuật đến từng tổ và tay nghề của từng CN theo nhóm vườn cây, kết hợp với tổng nghiệm thu kết quả trên mặt cạo cả năm của từng CN, từ đó phân loại theo 5 nhóm đối tượng tay nghề cạo từ giỏi, khá, trung bình khá đến trung bình và yếu để lên kế hoạch tập huấn lại tay nghề cho toàn bộ CN vào đầu mùa cạo.
Trong công tác tập huấn đào tạo, NT tập huấn gồm cả lý thuyết và thực hành. Về thực hành thì cho CN tập huấn và thi cả 2 miệng úp và ngửa trên vườn cây thanh lý, về lý thuyết cho học tập trung tại hội trường theo lớp, hình thức thi là cho CN bốc thăm câu hỏi và hỏi vấn đáp. Nếu thi không đạt thì chuyển xuống lớp đối tượng dưới.
Nhờ chia nhóm đối tượng như thế này nên CN luôn nêu cao ý thức giữ gìn mặt cạo trong cả năm dù là ngày cạo cuối cùng trong năm. Sau tập huấn sẽ căn cứ kết quả học tập, gắn thực hành với lý thuyết, để chọn lọc bố trí lao động theo nhóm đối tượng đảm bảo thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nhưng phải đạt được tiêu chí về năng suất, sản lượng.
Đối với CN phần cây và lao động cạo phụ, NT chú trọng đào tạo về phần kỹ năng cạo, cách xử lý từng phần việc trên đường cạo; gắn việc hiểu lý thuyết để thực hành cạo tốt, CN dễ nắm bắt, gắn với những công việc phải làm hàng ngày, việc làm thường xuyên, thực hiện chế độ thưởng trên cơ sở xếp hạng kỹ thuật hàng tháng và trả đơn giá theo kết quả điểm kiểm tra định kỳ.
Ngoài ra cán bộ nông nghiệp thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác thực hiện quy trình kỹ thuật của CN, công tác làm máng chắn nước, tấm nilon che chén, công tác chăm sóc cây cạo, mặt cạo, vệ sinh nông nghiệp, nhất là giám sát chặt chẽ công tác bôi thuốc kích thích, sử dụng hóa chất đúng theo quy định, kết hợp cùng bộ phận KCS theo dõi từ vườn cây đến khi xe vận chuyển, kiểm tra đối chứng báo cáo cho lãnh đạo NT.
Tổ trưởng là người có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý trực tiếp CN, quản lý vườn cây.Tổ trưởng có chức năng quản lý 7 nhiệm vụ chính: quản lý lao động, dụng cụ sản xuất, kỷ luật lao động, kỹ thuật thu hoạch mủ, kế hoạch sản lượngchất lượng sản phẩm,chăm sóc vườn cây, quản lý công chiều. Ngoài ra, từ kinh nghiệm quản lý thực hiện quy trình và tổng kết từ CN cho thấy, yếu tố tác động đến kỹ thuật cạo tốt còn nhờ vào các chuẩn mực từ công tác chăm sóc cây cạo tốt…
Vì khi chăm sóc cây cao su tốt, chuẩn mực quy trình được thiết lập thì ý thức gìn giữ của người lao động sẽ được nâng cao. Vì vậy, quy chuẩn về công tác thiết kế, vạch chuẩn độ dốc, trang bị vật tư, tiêu chuẩn bộ dụng cụ lao động và các phục vụ khác đều có quy định và kiểm soát chặt chẽ, nhiệm vụ này được giao cho cán bộ nông nghiệp phụ trách và tổ trưởng quản lý thực hiện, chịu trách nhiệm trực tiếp.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>