Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nông dân Tiến Hưng liên kết trồng cây đinh lăng dược liệu

22/04/2019

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Đồng Xoài phát triển mô hình trồng xen cây đinh lăng dưới tán điều, cao su, cây ăn trái. Mô hình cho cây sinh trưởng, phát triển tốt vì phù hợp thổ nhưỡng và đặc tính ưa bóng râm của loài cây này. Trước xu hướng phát triển đó, năm 2018, Hội Nông dân xã Tiến Hưng đã chủ động liên kết với Công ty TNHH Thiên Đường (chuyên cung cấp các sản phẩm dược liệu làm từ cây đinh lăng) để xây dựng mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu trên địa bàn xã. 


Ông Trần Văn Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Hưng cho biết: Việc liên kết với doanh nghiệp và nông dân hỗ trợ cùng sản xuất sẽ giảm được rủi ro sản phẩm không thể tiêu thụ do không tìm được đầu ra, hoặc nếu có thì hiệu quả kinh tế không cao do trồng không đúng kỹ thuật. Bước đầu, Hội Nông dân xã tập hợp được 5 hội viên có nhu cầu trồng cây đinh lăng cùng đi tham quan mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ loại cây này tại huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Sau đó, ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Thiên Đường theo hình thức nhận chuyển giao khoa học - công nghệ, cây giống, cung cấp các dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua sản phẩm từ cây đinh lăng theo giá ký kết.

Ông Đàm Xuân Thọ (bên phải) ở ấp 7, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài chăm sóc cây đinh lăng giống tại vườn ươm chuẩn bị xuất bán
Hiện 6.000 cây đinh lăng của hộ ông Đàm Xuân Thọ ở ấp 7, xã Tiến Hưng đã được 4 tháng tuổi, cây phát triển tốt. Ông trồng xen đinh lăng trong 2 ha cao su cạnh nhà, chi phí đầu tư ban đầu khoảng hơn 30 triệu đồng. Ông Thọ tham gia mô hình vì thấy hiệu quả kinh tế của loại cây này. Nếu liên kết có đầu ra ổn định thì ông chỉ tập trung trồng và chăm sóc. Hơn nữa, ông Thọ cho rằng, đinh lăng là cây dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc như những cây trồng khác. Cây trồng từ 6-8 tháng là có thể thu hoạch đợt đầu tiên, bình quân được 1kg, trong đó 1/2kg lá và 1/2kg cành. 6 tháng sau thu hoạch đợt thứ 2 và 3 năm là có thể thu hoạch rễ. Trồng xen cây đinh lăng trong vườn cao su còn tận dụng được những khoảng đất trống giữa các hàng cao su. Từ đó nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất trồng, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Thọ nhận hom giống từ công ty về ươm tại vườn nhà để cung cấp cho nông dân tham gia mô hình và cả những hộ có nhu cầu mua giống cây về trồng. Trong quá trình thực hiện vườn ươm giống có sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân xã và kỹ thuật viên công ty nên tỷ lệ giống ươm sống tốt đạt trên 90%, đủ nguồn cung cấp theo đăng ký mua của nông dân trong xã.
Hiện đinh lăng trồng xen dưới tán điều của hộ ông Lê Xuân Yên ở ấp 4, xã Tiến Hưng đang đến thời điểm thu hoạch lá với 3.000 cây đinh lăng phát triển xanh tốt. Từng là Chủ tịch Hội Đông y xã Tiến Hưng nên ông Yên biết rõ tính dược liệu của loại cây này và cũng thuận lợi trong việc nắm bắt kỹ thuật trồng do công ty chuyển giao. Ở những nơi được che phủ tốt, cây phát triển mạnh hơn hẳn nên ông dùng lưới để che bớt ánh nắng trực tiếp đến cây ở những điểm tán lá điều không tới.
Mô hình hợp đồng trồng cây đinh lăng cơ bản phù hợp với những hộ diện tích đất nhỏ lẻ, có vườn quanh nhà. Các hộ tham gia mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu của Hội Nông dân xã Tiến Hưng năm qua cũng được Hội Nông dân thành phố Đồng Xoài hỗ trợ vay vốn (mỗi hộ 30 triệu đồng) để đầu tư ban đầu. Ông Trần Văn Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Hưng cho biết thêm: “Trước mắt là tạo hướng đi mới cho nông dân trong xã. Trong quá trình xây dựng mô hình có doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, hợp đồng thu mua sản phẩm là điều thuận lợi. Các hộ tham gia đều nắm rõ cây đinh lăng trồng làm dược liệu nên phải sản xuất hữu cơ, bảo đảm sản phẩm sạch thì công ty mới thu mua. Trong thời gian tới, nếu mô hình thu hút trên 10 hộ nông dân cùng tham gia, hội sẽ thành lập tổ hợp tác trồng cây đinh lăng dược liệu xã Tiến Hưng để cùng liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất, phát triển kinh tế.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>