Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nông dân dần lấy lại niềm tin với cao su

21/11/2016

 Tháng 10/2016 vừa qua, được xem là tháng đầy phấn khởi đối với những nông dân trồng cao su. Sau mấy năm liên tục bị tuột sâu, thời gian gần đây, giá mủ cao su đã có sự chuyển biến đầy tích cực. 


 Dù không dám mơ về thời vàng son như giai đoạn 2010 – 2011, nhưng ít ra, đà tăng giá hiện nay cũng giúp nông dân dần lấy lại niềm tin với loại cây này.

Giá nhích từng ngày
Vụ thu hoạch mủ cao su của nông dân Đông Nam Bộ và Tây Nguyên năm nay bắt đầu từ giữa tháng 6 (muộn hơn mọi năm khoảng 1,5 tháng do tác động bởi hạn hán). Khi ấy cho đến cuối tháng 9, giá bán chỉ dao động trong khoảng từ 225 – 235 đồng/độ mủ (mỗi kg mủ tùy chất lượng vườn cây mà dao động trong khoảng từ 25 – 42 độ). Dù giá chưa thấp như hồi cuối năm 2015 (chỉ còn 195 đồng/độ), song, cuộc sống của người nông dân trồng loại cây này chỉ gọi là tạm cầm cự được qua ngày.
Bắt đầu từ tháng 10, sự chuyển biến của các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc (nước nhập khẩu hơn 50% sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam); giá dầu tăng cùng với động thái cắt giảm xuất khẩu của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, vốn là ba nước cung cấp đến 67% lượng cao su thiên nhiên trên thế giới đã giúp giá cao su nhích lên liên tục. Chuyển biến tích cực từ thị trường quốc tế cũng tác động dây chuyền đến thị trường Việt Nam. Cụ thể, mủ cao su tiểu điền của nông dân đã được giới thu mua nâng giá gần cả chục lần trong một tháng. Có khi, mức giá mới chỉ tồn tại được duy nhất một ngày, hôm sau đã là mức giá khác. Gần cuối tháng, giá đã nhích đến 295 đồng/độ.
Đã lâu lắm rồi, người trồng cao su mới có lại sự hào hứng mỗi khi đi bán mủ. Nhiều lúc chở mủ đến, chưa kịp xuống xe họ đã vội hỏi người mua hôm nay giá có tăng nữa không? Các điểm thu mua râm ran tiếng cười nói, người ta hỏi han nhau cữ cạo này lượng mủ tăng hay sụt, được bao nhiêu độ mỗi kg, nhà còn giữ được bao nhiêu cây cao su, v.v…
Không riêng gì nông dân phấn khởi, chính những người thu mua cũng hết sức hào hứng với đà tăng của giá. Bởi như ông Phan Văn Khôi, một người thu mua mủ cao su tại xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Giá có tăng thì nông dân mới gắn bó và chăm sóc cho cây cao su tốt hơn. Nhờ vậy mà tôi cũng mua được nhiều mủ hơn với chất lượng cao hơn. Không chỉ người bán có lãi, mà người mua cũng được thêm phần lời”.
Tăng cường chăm sóc
Theo hầu hết người trồng cao su, chỉ khi mức giá đạt trên 300 đồng/độ thì họ mới… sống khỏe. Tuy nhiên, mức giá hiện tại cũng đã giúp họ có được chút tích lũy. Nếu sở hữu 1 ha cao su, thu nhập mỗi tháng hiện cũng ngót 10 triệu đồng, số tiền có thể trang trải chi phí hàng ngày của một gia đình không quá đông người ở nông thôn. Đối với những nhà sở hữu từ 2 ha trở lên, số tiền tiết kiệm được hàng tháng là khá đáng kể.
Trong các câu chuyện phiếm hiện nay, không ít nông dân bày tỏ sự tiếc rẻ vì lỡ phá bỏ một phần, thậm chí cả vườn cao su của mình lúc giá bị xuống thấp để trồng loại cây khác. Cũng có người thiết tha cùng cao su, đã cố cầm cự đến vài năm, vậy nhưng, lòng kiên nhẫn có giới hạn, khi vừa phá bỏ không lâu thì giá lại chuyển biến tốt.
Có thể nhắc đến trường hợp của ông Nguyễn Văn Hậu, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Sở hữu 2 ha cao su, tuy nhiên, sau vài năm cứ “hết mùa thu hoạch mủ là chẳng dư ra được đồng nào” khiến cả nhà ông Hậu hết sức phân vân. Trong khi đó, giá hồ tiêu và hạt điều lại rất tốt. Vì vậy hồi tháng 3 vừa rồi, ông Hậu quyết định đốn hạ toàn bộ vườn cao su để chuyển sang trồng hồ tiêu và điều. “Giờ cũng thật tiếc nhưng chuyện đã lỡ. Chỉ mong vài năm nữa giá hồ tiêu và hạt điều vẫn tốt”, ông Hậu nói. Trong thời gian chờ hồ tiêu và điều cho thu hoạch (khoảng 3 năm với hồ tiêu và 5 năm với cây điều), hiện cả nhà ông Hậu sống chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê.
Trở lại với niềm vui của những nông dân còn đang gắn bó cùng cao su, họ đang tính chuyện tăng cường chăm sóc để vườn cây của mình đạt năng suất và chất lượng tốt hơn. Ông Lương Văn Kì, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết: “Hồi đầu mùa vì thấy giá mủ thấp nên tôi chỉ định bón phân một lần rồi thôi. Nay tôi đang chuẩn bị bón thêm một lần nữa để cây có sức mà cho thu hoạch cao trong những tháng cuối năm này”.
Hồng Phú (Tạp chí Nông thôn Việt), nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/201611/nong-dan-dan-lay-lai-niem-tin-voi-cao-su-687947/, ngày 14/11/2016 (Công Nhựt trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>