Tin tức >> Tin cao su trong nước

Những sáng kiến từ lòng yêu nghề

29/05/2017

 Phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. 


 Từ phong trào, xuất hiện nhiều gương sáng, giúp ích cho việc cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt góp phần làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sáng kiến thang làm máng chắn nước mưa của anh Trần Ngọc Dũng – Tổ 8, Nông trường 2 được nhiều Công nhân sử dụng
Để công việc nhẹ nhàng hơn
Sáng kiến “Thang làm máng chắn nước mưa” của anh Trần Ngọc Dũng – Tổ trưởng sản xuất Tổ 8, Nông trường 2 là một trong những sáng kiến tiêu biểu, được Công ty Cao su Phú Riềng khen thưởng tại Lễ tuyên dương CNVC-LĐ có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả, vào ngày 18/3 vừa qua.
Anh Dũng chia sẻ: “Thang có cấu tạo hai chân vòng cung, trên đầu thang được gắn 1 sợi dây xích ôm vào cây để chống trượt và có lực rút áp chặt vào thân cây. Trên đầu thang có hàn bệ đứng để công nhân làm việc lâu không bị đau chân và đứng trên thang an toàn hơn.
Sử dụng thang này, không xảy ra tình trạng công nhân (CN) bị té ngã trong khi làm máng chắn nước mưa trên cao, CNLĐ yên tâm trong quá trình thao tác, đồng thời rút ngắn thời gian làm việc, giúp năng suất lao động tăng lên”.
Thấy được hiệu quả thiết thực của sáng kiến này, có 100% CN trong Nông trường 2 đã sử dụng, ngoài ra một số nông trường khác cũng làm theo.
Một sáng kiến điển hình khác, được Công ty sử dụng hiệu quả từ năm 2010 đến nay là sáng kiến “Cải tiến cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng” của anh Nguyễn Ngọc Sang – CN chăm sóc Tổ 14, Nông trường 2.
Chia sẻ về cách làm cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng anh Sang cho biết, dụng cụ gồm: 1 cần câu cá dạng như ăng ten (nếu dài 5 – 6,5 m dùng 2 cần); 1 ống nhựa dẻo dẫn nước 0,6 cm dài 7 m; 1 sợi dây thun cắt từ ruột xe máy. Cách làm, dùng cần câu dạng ăng ten dài khoảng 6m; tháo các đốt trên của cần câu còn độ dài khoảng 4,7 – 4,8 m sao cho cần luồn được ống nhựa dẻo dẫn nước được vào bên trong cần câu (cần  rỗng).
Đầu dây dưới của cần câu nối với tay bóp, đầu dây trên của cần câu nối với phần còn lại của tay bóp cắt ra. Dùng dây thun cột 2 đầu ống dẫn nước đã nối với tay bóp và đầu còn lại của tay bóp là có thể sử dụng được. Chi phí làm cần phun thấp khoảng 250.000 đồng/cần, thời gian sử dụng lâu dài.
Sáng kiến cải tiến cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng của anh Nguyễn Ngọc Sang
“So với cách cũ là dùng bình bơm tay 8 lít, cần phun bằng tre nứa, việc di chuyển nặng nề, vòi phun không được cao, việc phun thuốc trị bệnh của công nhân khá vất vả. Cải tiến cần phun thuốc trị bệnh nấm hồng cho vườn cây, giúp cho công tác trị bệnh nấm hồng thuận lợi hơn, gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển đến nơi làm việc. Và nhất là cần có thể điều chỉnh độ cao phù hợp, phun đến vết bệnh ở độ cao 10 m”, anh Dũng phân tích.
Ngoài hai sáng kiến kể trên, còn rất nhiều sáng kiến của CN tại Cao su Phú Riềng, đều khởi nguồn từ kinh nghiệm thực tế trong lao động sản xuất. Những sáng kiến, cải tiến đã đem lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị. Đó cũng là cách thể hiện tình yêu ngành, yêu nghề, chịu thương chịu khó của công nhân cao su.
Khuyến khích CN phát huy sáng kiến
Nhằm khuyến khích, cổ vũ công nhân lao động (CNLĐ) phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm chủ khoa học công nghệ, đồng thời động viên, tôn vinh những cá nhân sáng tạo tiêu biểu, định kỳ tại Hội nghị nông nghiệp hàng năm, Cao su Phú Riềng tổ chức Lễ tuyên dương CNVC-LĐ có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả. Trong hai năm (2016 và 2017), đã khen thưởng 123 CNVC-LĐ có những sáng kiến thiết thực áp dụng vào các lĩnh vực công tác, với số tiền 417 triệu đồng trích từ Quỹ Khoa học Công nghệ của Công ty. Ngày 18/3 vừa qua, Công ty đã khen thưởng 72 cá nhân sáng tạo tiêu biểu, với tổng số tiền 200 triệu đồng.
Ông Lê Thanh Tú – TGĐ Công ty – cho biết: “Cao su Phú Riềng luôn động viên, khuyến khích CNVC-LĐ nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến khoa học kỹ thuật, nhằm tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả đầu tư. Những gương sáng tạo này không chỉ làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm, mà còn góp phần giúp Công ty phát triển, nhất là trong giai đoạn ngành cao su gặp khó khăn”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>