Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nhiều nông dân Đắk R’lấp nỗ lực giữ vườn cao su

22/09/2016

 Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp gây không ít khó khăn cho đời sống của người trồng, nhưng tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) nhiều nông dân vẫn nỗ lực giữ vườn cây.


 Vẫn cho thu nhập đều

Những ngày này, gia đình bà Quách Thị Nụ ở thôn 10, xã Đắk Sin vẫn tiến hành khai thác mủ cao su. Vườn cao su trồng xen cà phê hơn 1,2 ha vẫn đều đặn cho bà nguồn thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy không cao, nhưng khoản thu nhập này vẫn cơ bản bảo đảm đủ cho việc chi tiêu cho gia đình, nhất là trong mùa mưa.
Nói về việc giữ vườn cao su, bà Nụ cho biết: “Tôi thấy vườn cây vẫn đang sinh trưởng phát triển tốt, cho lượng mủ khá, khoảng 1 2 lạng/gốc/lần cạo. Mỗi lần cạo cũng thu về khoảng 200 ngàn đồng. Nói thật, với nhà nông nếu khéo chi tiêu thì thu nhập thế này vẫn sống được. Tuy nhiên để giữ vườn, tôi đã trồng thêm các loại cây ngắn ngày khác như bắp, đậu, rồi chanh dây”.
Còn ông Nguyễn Đăng Định cũng ở thôn 10, xã Đắk Sin có 1,6 ha cao su thì cho rằng: “Tuy giá không còn cao như ở thời điểm mủ cao su được coi là “vàng trắng” nhưng nếu nông dân tự cạo thì vẫn có lời. Thực tế, tôi vẫn tiến hành việc chăm sóc, bón phân đều nhưng mức độ có ít hơn so với trước để dưỡng cây”.
Ông Nguyễn Đăng Định ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) vẫn chăm sóc tốt vườn cao su
Không chạy theo “phong trào trồng, chặt”
Nói về lý do vẫn nỗ lực giữ vườn cao su, theo ông Nguyễn Đăng Định nếu chặt bỏ trồng cây khác thì cần vốn đầu tư ban đầu lớn, rồi phải chờ đến thời kỳ cho thu nhập, biết có hiệu quả hay không. Trước đây, ngay tại xã, nhiều người cũng đã thất bại với việc chạy theo phong trào “trồng, chặt” rồi nên tôi không dại đi vào “vết xe đổ”, ông Định khẳng định.
Cũng theo ông Định, hiện nay, một số hộ đang thấy giá hồ tiêu lên cao nên chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu nhưng điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là về sâu bệnh. Hơn nữa, canh tác cây cao su đã lâu năm nên ông đã nắm rõ các bệnh chủ yếu, rồi cách phòng, chống hiệu quả, lại cho nguồn thu ổn định nên không có ý định chặt bỏ vườn.
Ông Hoàng Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho biết, thực tế khi giá mủ cao su xuống thấp, một bộ phận người trồng cao su trên địa bàn đã chặt bỏ cây cao su sang trồng một số loại cây khác. Trước tình hình đó, các đoàn thể xã, thôn trên địa bàn đã tăng cường thực hiện việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho nông dân để bà con hiểu không chạy theo phong trào “trồng, chặt”, nhất là việc chặt cao su sang trồng hồ tiêu.
Thực tế thì một số hộ có chặt nhưng diện tích nhỏ, cho lượng mủ thấp. Cơ bản hiện nay, diện tích cao su của xã vẫn ở mức cao nhất huyện là trên 1.000 ha, trong đó diện tích kinh doanh vẫn được giữ vững hơn 650 ha, năng suất trung bình đạt 1,7 tấn/ha.
Không chỉ ở Đắk Sin, tại hầu hết các địa phương khác, nhiều nông dân ở Đắk R’lấp trồng cao su vẫn nỗ lực giữ vườn. Theo ông Nguyễn Tạo, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo thì địa phương hiện có hơn 700 ha cao su, trong đó diện tích kinh doanh ổn định ở mức 450 ha. Ông Tạo cho biết, để giữ vườn, nhiều nông dân trên địa bàn đã giảm bớt sự đầu tư phân bón cho vườn cây, khai thác với số lần ít hơn. Đây là một sự nhận thức đúng của người dân trong việc phát triển sản xuất bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đắk R’lấp khẳng định: Thực tế cây cao su cho thu nhập trong thời gian dài từ 15 20 năm nên ngành Nông nghiệp huyện đã coi đây là một cây chủ lực cùng với hồ tiêu, cà phê và vận động nhân dân giữ vững diện tích để cân đối cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất ổn định. Chính vì thế, giá mủ có xuống thấp nhưng hầu hết bà con vẫn nỗ lực giữ vườn. Toàn huyện Đắk R’lấp hiện có hơn 7.300 ha cao su, trong đó diện tích kinh doanh là gần 4.000 ha với mức sản lượng trên 6.600 tấn.
Bài, ảnh: Hồng Thoan, nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/nhieu-nong-dan-dak-r-lap-no-luc-giu-vuon-cao-su-49414.html, ngày 21/9/2016 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>