Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nhiều giải pháp phát triển ngành gỗ

04/06/2018

 Nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực nội tại của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) trong thời gian tới để đưa ngành gỗ – một trong những lĩnh vực ngành nghề chính của VRG phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, theo ông Trần Ngọc Thuận, Lãnh đạo VRG –cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết, cải tiến máy móc, nâng cao nguồn nhân lực…


 

Cần tăng cường sự liên kết giữa các công ty gỗ thuộc VRG. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Chế biến gỗ Đồng Nai. Ảnh: Phan Thắng
Chưa tận dụng hết nguồn lực
VRG có thế mạnh và nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu, đảm bảo nhu cầu sản xuất chế biến gỗ của Tập đoàn. Ngoài ra với diện tích gỗ cao su thanh lý hàng năm lớn, hơn 10.000 ha/năm, VRG có thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành gỗ nói chung, là đơn vị chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực MDF tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thuận, thời gian qua, VRG chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh nội tại để thúc đẩy phát triển hiệu quả hơn ngành gỗ. Vẫn còn một số tồn tại cần phải tập trung khắc phục. Đơn cử như mặc dù có thế mạnh về đất đai, gỗ cao su thanh lý nhưng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất, mối liên kết giữa các công ty sản xuất gỗ trong ngành còn yếu kém.
Bên cạnh đó, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất tương đối lạc hậu, trừ lĩnh vực MDF. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao, các chuyên gia trong các lĩnh vực như xúc tiến thương mại, xuất khẩu, thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm còn yếu. Các đơn vị chủ yếu sản xuất gỗ phôi hoặc gia công nên giá trị gia tăng mang lại không cao.
Trước thực trạng trên, để chủ động khắc phục khó khăn, tận dụng tối đa các nguồn lực nội tại của VRG trong thời gian tới để đưa ngành gỗ – một trong những lĩnh vực ngành nghề chính của VRG phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, theo ông Trần Ngọc Thuận, cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Đảm bảo nguồn nguyên liệu và tăng cường hợp tác
Cụ thể, cần có đơn vị tư vấn có năng lực để cùng tham gia với VRG xây dựng chiến lược phát triển dài hạn ngành gỗ. Các mục tiêu chính được đưa ra gồm phương án đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất thông qua việc tận dụng nguồn gỗ cao su thanh lý thường niên, chuyển đổi một số diện tích không phù hợp cho cao su phát triển để trồng cây lâm nghiệp, tổ chức xen canh cây lâm nghiệp, trồng cao su mủ – gỗ… để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ công suất chế biến gỗ khá lớn của VRG.
Sản xuất ván gỗ MDF có dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại. Ảnh: Vũ Phong
Trên cơ sở định hướng của thị trường, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị chế biến gỗ trong toàn VRG nhằm khai thác hết thế mạnh, tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các đơn vị, qua đó tổ chức đầu tư có trọng tâm. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xúc tiến hợp tác với các tập đoàn, các đơn vị có tiềm lực, thị trường trong và ngoài nước để cùng liên kết, liên doanh phát triển lĩnh vực gỗ, kể cả các sản phẩm khác trong chuỗi giá trị của ngành gỗ có khả thi và VRG có đủ khả năng tham gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực MDF cần xúc tiến việc thảo luận phương án hợp tác với các đơn vị đầu ngành tại thị trường VN, trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, có thể xem xét liên doanh, sở hữu vốn của nhau.
Trong lĩnh vực gỗ tinh chế, gỗ cao su, ông Trần Ngọc Thuận đề nghị tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể năng lực cốt lõi của từng công ty sản xuất gỗ trực thuộc VRG để đề xuất phương án phát triển lĩnh vực gỗ tinh chế từ cây cao su và các loại gỗ khác trên tinh thần đơn vị nào có thế mạnh về tinh chế, VRG sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ đơn vị phát triển trở thành công ty trung tâm.
Các đơn vị khác trong khu vực có thể hình thành các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất từng công đoạn, hoặc gỗ phôi cung cấp cho hoạt động sản xuất của công ty trung tâm. Ngoài ra liên kết với các đơn vị trong, ngoài nước có năng lực về tài chính, thị trường, kinh nghiệm, công nghệ để hợp tác phát triển lĩnh vực gỗ tinh chế.
Về cao su thanh lý, tổ chức thanh lý rải vụ vườn cây cao su phục vụ tái canh hàng năm trên cơ sở theo dõi sát và dự báo diễn biến tình hình giá gỗ cao su thanh lý trên thị trường, để cân đối diện tích cao su thanh lý, vừa đảm bảo đủ diện tích phục vụ kế hoạch tái canh của VRG, vừa đảm bảo giá gỗ cao su thanh lý phù hợp nhằm mang lại lợi ích cho cả các công ty cao su và các đơn vị chế biến gỗ thuộc VRG. Đồng thời phân bổ hợp lý gỗ cao su thanh lý theo quy định cho các đơn vị trực tiếp sản xuất nhằm tối đa hóa nguồn lực này. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đánh giá và quy hoạch các khu vực diện tích phát triển trồng rừng nguyên liệu của VRG để đảm bảo chủ động khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất trong giai đoạn hiện nay và trong dài hạn.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>