Tin tức >> Tin cao su trong nước

Ngành cao su thiên nhiên: vốn quý phát triển kinh tế xã hội và môi trường

28/01/2019

 LTS: Ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) và đoàn công tác vừa qua có chuyến công tác tại Abidjan, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) tham dự Hội nghị khoa học và các hội nghị thường niên của Ủy ban Nghiên cứu Phát triển Cao su quốc tế (IRRDB). 


 Sau Hội nghị, ông ghi nhận một số thông tin đáng chú ý, Tạp chí Cao su VN trân trọng giới thiệu bài viết này.

Tiêu thụ cao su tiếp tục tăng nhưng chậm
Hội nghị Cao su quốc tế IRRDB 2018 có chủ đề: “Ngành cao su thiên nhiên: Vốn quý về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường”, được tổ chức tại TP.Abidjan, Côte d’Ivoire, từ ngày 22 – 24/10, sau 42 năm quay lại Châu Phi, với gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự. Đây là hội nghị quốc tế về ngành cao su lớn nhất tổ chức tại châu Phi từ trước tới nay, sau nhiều năm liên tục tổ chức tại châu Á. Có tổng số 68 báo cáo tại Hội nghị, trong đó có 5 báo cáo mang tính tổng quát về chủ trương chính sách phát triển cao su Côte d’Ivoire, cung – cầu cao su, phát triển bền vững ngành cao su, biến động giá cả, sản phẩm công nghiệp về cao su.
Về khoa học kỹ thuật cao su, có tổng số 63 báo cáo trên các lĩnh vực nông học, tạo tuyển giống cao su, thu hoạch mủ, bảo vệ thực vật, chế biến cao su – bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm cao su và kinh tế – xã hội.
Một số thông tin đáng chú ý từ các báo cáo của Hội nghị: Tình hình chung là sự gia tăng diện tích trồng cao su tại hầu hết các nước trong giai đoạn giá cao. Điển hình tại Cote d’Ivoire với diện tích khoảng 110.000 ha năm 2005 tăng đột biến đến 430.000 ha vào năm 2012 và hiện nay có khoảng trên 600.000 ha. Myanmar cũng có gần 657.000 ha, Philippines có 86.850 ha vào năm 2006 và hiện nay tăng 290.000 ha và dự kiến sẽ đạt 500.000 ha trong tương lai.
Ngoài những nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Campuchia cũng đã mở rộng diện tích cao su trong những năm vừa qua. Hiện nay, một số nước tại Trung và Nam Mỹ như Guatemala và Brazil cũng đang mở rộng diện tích trồng cao su, với những tiến bộ mới đang được áp dụng đã hạn chế tác hại của bệnh cháy lá Nam Mỹ (SALB) như: Giống, kỹ thuật canh tác và phân vùng trồng cao su. Nhịp độ cạo có xu hướng kéo dài như d4 và d5 cùng với tăng số lần sử dụng kích thích để giải quyết tình trạng thiếu lao động, cũng như duy trì lợi nhuận cho người tham gia trồng cao su.
Hiện nay, có 12 nước trồng cao su ở châu Phi, tập trung trong vùng xích đạo, trong đó Cote d’Ivoire có diện tích nhiều nhất. Các giống trồng phổ biến là PB 217, PB 260, GT 1, RRIM 600 và một số giống IRCA do Pháp tạo tuyển trước đây. Điều kiện khí hậu nói chung tại các vùng này là lý tưởng cho trồng cao su, với nhiệt độ 24-31°C, không có gió bão, lượng mưa >1.800 mm/năm.
Đất trồng cao su tương đối bằng phẳng, cao trình thấp và nhất là đất phì nhiêu do chuyển đổi từ đất rừng nhiệt đới với chu kỳ đầu của vườn cao su. Toàn bộ diện tích cao su được cạo nhịp độ d3, d4 và để đông tại lô, mủ đông được chế biến thành TSR 10- 20 xuất cho thị trường châu Âu. Đáng chú ý, mỗi công ty có cho thêm chất chỉ thị màu vào chén mủ để chống mất cắp và quản lý mủ tốt hơn. Hiện nay, do tốc độ gia tăng sản lượng mủ từ vườn cây nên vượt công suất nhà máy chế biến, vì vậy vẫn còn xuất khẩu mủ đông cho một số nước khác chế biến, trong đó có một số nước châu Á.
Các nước tái cơ cấu hoạt động về cao su
Sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên: 92% tổng lượng cao su thiên nhiên (CSTN) được sản xuất ở vùng châu Á – Thái Bình Dương (châu Phi và Mỹ chiếm 8% số còn lại), đồng thời vùng này cũng tiêu thụ đến 74% lượng CSTN – thị trường rất quan trọng về cao su. Dự báo tiêu thụ CSTN tiếp tục tăng nhưng chậm, do nguồn cung gia tăng từ việc các nước mở rộng diện tích từ những năm trước đây, nhất là diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, giá trị đồng USD tăng, cũng như một số đòi hỏi của các nhà tiêu thụ cao su về các loại chứng nhận… qua đó tác động không nhỏ đến thị trường tiêu thụ cao su trên toàn thế giới.
Một số nước bị tác động bởi thời tiết bất thuận do sự biến đổi bất thường của khí hậu và dịch bệnh trên cây cao su như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã tái cơ cấu hoạt động về cao su như: Thúc đẩy tiêu thụ nội địa và sản phẩm mới (phối hợp với nhựa đường có ưu điểm về độ bền, giảm tiếng ồn, hay sử dụng sản xuất gạch lát vỉa hè, đệm giảm chấn trong các công trình xây dựng, đồ chơi…), giảm nhân công trong trồng và thu hoạch mủ do thiếu hụt lao động, tăng chế biến gỗ.
Xu hướng chung giảm nhịp độ cạo kết hợp kích thích mủ để đối phó với giá thấp và thiếu lao động được nhiều nước vận dụng phổ biến hiện nay là d4 và d5 (thấp nhất đến d7). Tuy nhiên, quyết định được tính toán trên cơ sở giá bán cao su, sản lượng và lợi nhuận mang lại của từng nơi.
Xen canh trên vườn cao su với nhiều loại cây trồng khác nhau tiếp tục là biện pháp ổn định thu nhập cho tiểu điền. Việc trồng xen thay đổi theo từng nước do yếu tố thị trường, tuy nhiên, nền cơ bản vẫn là giống cao su có năng suất tốt và nguồn gỗ cho các nhà máy.
Báo cáo về sản phẩm nhúng nhấn mạnh đến xu hướng sử dụng các hóa chất không độc hại, giảm dần và loại trừ các hóa chất bảo quản hoặc xúc tiến lưu hóa độc hại (ammoniac, nitrosamine). Thúc đẩy các nhà sản xuất nhỏ về cao su tạo ra các sản phẩm tiêu thụ nội địa về đồ chơi, quà lưu niệm, sử dụng trong gia đình…
Đối với các hoạt động Hội nghị thường niên của Viện trưởng và Ban chấp hành IRRDB, kết quả các đợt hội thảo được đánh giá cao về tác dụng tích cực đến ngành cao su từng nước, với sự tham dự của nhiều tổ chức nghiên cứu về cao su, trong đó có Việt Nam. RRIV luôn là tổ chức tham gia một cách tích cực, qua đó nâng cao uy tín và vị thế trong các Viện Cao su trên thế giới.
Chương trình trao đổi giống quốc tế do IRRDB tổ chức, trên nguyên tắc chia sẻ, mỗi nước cho ra 5 giống và nhận về 49 giống. RRIV đã trao đổi được 13 giống từ Ấn Độ và Thái Lan, số giống còn lại hiện vẫn bị vướng bởi Bộ chủ quản về xin giấy phép xuất, nhập và kiểm dịch.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, đoàn Việt Nam giới thiệu thêm về Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức đã tạo sự chú ý cho các nước, bởi cuộc thi này chỉ có duy nhất trên toàn thế giới.
Phan Thành Dũng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN), nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/nganh-cao-su-thien-nhien-von-quy-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-moi-truong.html, ngày 22/01/2019 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>