Tin tức >> Tin cao su trong nước

Lao động mùa cạo 2017: Đã ổn định

13/06/2017

 Mùa cạo năm 2016, giá cao su ở mức thấp dẫn đến nhiều công nhân (CN) nghỉ việc, gây khó khăn cho các đơn vị khi sắp xếp lao động (LĐ) trước vụ khai thác mới. 


 Bước vào mùa cạo năm nay, trong tình hình giá cao su đã cải thiện đáng kể, qua khảo sát của PV Tạp chí Cao su Việt Nam (CSVN) thì tình trạng biến động LĐ không còn nhiều, ngoại trừ các đơn vị tiếp giáp với địa bàn các khu công nghiệp.

Lực lượng lao động ổn định giúp các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017. Ảnh: Tùng Châu
Các đơn vị Tây Nguyên: Ổn định
Theo ghi nhận của PV Tạp chí CSVN, các đơn vị khu vực Tây Nguyên đa số ổn định LĐ hơn so với năm trước. Theo bà Trần Thị Thanh Mai – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo, hiện nay công tác khai thác của Công ty đã đi vào ổn định, lực lượng LĐ không biến động nhiều. Trước mùa cạo Công ty cũng tổ chức một số lớp đào tạo lại tay nghề cho CN yếu kém, kết hợp đào tạo cho lực lượng gia thuộc để bổ sung cho LĐ chính trong trường hợp bị thiếu hụt đột xuất.
Đối với Công ty Chư Mom Ray là đơn vị mới đưa vào khai thác nên LĐ được tuyển mới là chính. Ông Trương Ly – Giám đốc Công ty – cho biết hiện Công ty đang cạo chế độ d3 và thu mủ đông tại lô, nên CN ngoài việc đi cạo thì vẫn có thể nhận thêm vườn cây để chăm sóc nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Riêng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, theo bà Vũ Thị Bích Thảo – Trưởng phòng Tổ chức LĐ Tiền lương, từ đầu năm đến nay lượng CN toàn Công ty cũng nghỉ khá nhiều với 190 LĐ, tập trung ở một số nông trường như Ngọc Wang, Ya Chim, Tân Cảnh… trong đó LĐ người dân tộc thiểu số trên 35 người.
Tuy nhiên, đa số LĐ xin nghỉ là những người có kinh tế gia đình khá và thiếu LĐ làm việc nhà. Mặc dù nghỉ nhiều, nhưng không vì thế mà Công ty thiếu hụt LĐ. Lý do năm nay Công ty thanh lý và tái canh 504 ha, trong đó riêng diện tích tái canh của mô hình CN lên đến 438 ha, do đó LĐ vẫn đáp ứng được tiến độ công việc, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác mủ cũng như tiến độ tái canh của Công ty.
Theo ông Phạm Đình Luyến – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, việc LĐ có biến động trước mùa cạo mới thì ở đơn vị nào cũng diễn ra, tuy nhiên mức độ khác nhau. Tại Công ty Chư Păh năm nay không có sự biến động lớn, hàng năm Công ty đều có tổ chức vài lớp học để đào tạo lại tay nghề cho CN yếu kém, đồng thời đào tạo luôn cho một số gia thuộc để họ có thể tham gia giúp đỡ LĐ chính khi bước vào mùa cao điểm.
Khu vực Tây Bắc: Mở cạo mới, lao động dồi dào
3 đơn vị tại khu vực Tây Bắc là Công ty CP Cao su Sơn La, Lai Châu và Điện Biên năm nay bắt đầu mở rộng diện tích khai thác. Phấn khởi trước việc đón những dòng mủ đầu tiên sau bao năm chăm sóc, nhiều người dân là hộ góp đất trồng cao su hăng hái tham gia trở thành CN khai thác.
Đồng bào các dân tộc Tây Bắc phấn khởi khi được làm công nhân khai thác. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cao su Điện Biên thiết kế miệng cạo, chuẩn bị đưa vườn cây vào khai thác
Năm 2017, Công ty CP Cao su Sơn La sẽ nâng diện tích khai thác lên 1.090 ha, sản lượng ước đạt 600 tấn mủ. Ngay từ đầu năm, Công ty đã mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cạo mủ cao su cho hơn 1.000 CNLĐ nhằm phục vụ công tác khai thác. Lực lượng LĐ Công ty dồi dào, tùy theo số đất góp vào trồng cao su của mỗi hộ gia đình, Công ty sẽ thu tuyển vào làm CN tại đơn vị. Vườn cây sau thời gian kiến thiết cơ bản chuyển sang khai thác thì CN rất phấn khởi.
Với Công ty CP Cao su Điện Biên, năm 2016 hơn 42 ha cao su của Công ty đưa vào mở cạo, năm nay Công ty tiếp tục mở cạo 715 ha. Hiện nay, tổng số LĐ của Công ty hiện có 363 người. Để chuẩn bị cho công tác mở mới diện tích đưa vào khai thác, Công ty đã có kế hoạch thu tuyển thêm LĐ và kết hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su để đào tạo tay nghề. Ngoài ra, Phòng Kỹ thuật Công ty cũng chủ động đào tạo cho CN. Với tín hiệu khả quan của việc mở cạo năm trước, đồng bào tại địa phương rất tin tưởng và nộp đơn xin vào làm CN cao su.
Còn tại Công ty CP Cao su Lai Châu, tổng diện tích khai thác năm nay của Công ty là 1.435 ha, tổng số LĐ hiện có là 966 người, trong đó CN khai thác 430 người, CN chăm sóc 536 người. Ngay từ đầu năm để chuẩn bị cho diện tích mở mới, Công ty đã có kế hoạch thu tuyển mới 190 LĐ vào làm CN, bố trí sắp xếp đào tạo CN quen việc. Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty đã tuyển gần đủ với kế hoạch đề ra, nên vấn đề LĐ được đảm bảo.
Các đơn vị miền Đông giáp với khu công nghiệp: Vẫn biến động
Đứng chân trên địa bàn có tốc độ công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, vài năm trở lại đây xu hướng dịch chuyển lực lượng LĐ từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng, chính vì vậy một số đơn vị miền Đông gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề LĐ trước mùa cạo mới. Năm nay mặc dù giá cao su đã tăng nhưng các đơn vị tiếp giáp với địa bàn khu công nghiệp phát triển “nóng” như Phước Hòa, Đồng Nai… biến động LĐ vẫn diễn ra.
Điển hình như Công ty CP Cao su Phước Hòa, đầu năm 2017, tổng số CBCNV hơn 4.000 người, giảm hơn 500 người so với năm 2016. TCT Cao su Đồng Nai có một số nông trường thiếu LĐ nghiêm trọng, từ 35 – 45%. Còn tại Công ty CP Cao su Đồng Phú, trong vòng 3 năm qua, đã có hơn 2.500 LĐ nghỉ việc.
Để đảm bảo công tác sản xuất kinh doanh trong mùa cạo mới, các công ty đã chủ động, linh hoạt sắp xếp lại LĐ, phân bổ vườn cây, chế độ cạo phù hợp.
Từ đầu vụ, Công ty CP Cao su Phước Hòa đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị nhân lực, vật tư, quy hoạch mặt cạo, gắn máng chắn mưa sớm… Đồng thời, thay đổi nhịp độ cạo phù hợp thực tế LĐ của từng nông trường. Đối với vườn cây khai thác (vườn cây nhóm III chiếm trên 60%), Công ty đề ra nhiều giải pháp tận thu mủ trên vườn cây chuẩn bị thanh lý (H17, 18, cạo chế độ T…). Trong đó, cạo tận thu triệt để vườn cây chuẩn bị thanh lý, nhất là việc tận thu mủ ở vườn cây H16 (cạo buổi chiều, sử dụng dây dài dẫn mủ…) theo quy trình kỹ thuật mới đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phê duyệt.
Nhằm giải quyết khó khăn, TCT Cao su Đồng Nai điều động CN từ nông trường này sang nông trường khác để tăng cường, 65% vườn cây sẽ cạo chế độ d4 và thử nghiệm cạo chế độ d6 10%. Hiện nay, các nông trường vẫn tiếp tục nhận được đơn xin vào làm CN cao su.
Mặc dù địa bàn nằm liền kề nhưng Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng luôn ổn định LĐ với hơn 6.500 người, số lượng nghỉ việc ít, trong khi Công ty CP Cao su Đồng Phú lại gặp nhiều khó khăn khi LĐ nghỉ việc chuyển qua làm ở khu công nghiệp ngày càng nhiều. Tuy nhiên bước vào mùa cạo mới, Công ty đã sắp xếp LĐ, chuyển đổi chế độ cạo phù hợp. Hiện tại Công ty có hơn 3.500 LĐ. “Phát huy tinh thần vượt khó, tập thể CBCNV Công ty phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 như tổ chức chăm sóc và khai thác 6.828 ha vườn cây kinh doanh, chăm sóc đúng quy trình 2.085 ha cao su kiến thiết cơ bản, tái canh 488 ha cao su đảm bảo tỷ lệ sống 100%, khai thác với tổng sản lượng trên 13.660 tấn mủ quy khô, năng suất vườn cây đạt 2 tấn/ha, thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng…”, ông Hồ Cường – TGĐ Công ty khẳng định.
Cũng như các đơn vị khác, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận đã sắp xếp lại LĐ, tăng diện tích cạo d4 từ 188 ha năm 2016 lên 356 ha năm 2017. Ông Nguyễn Văn Thanh – TGĐ Công ty – cho biết: “Hiện tại Công ty có hơn 1.500 LĐ, mùa cạo mới năm nay thuận lợi hơn so với năm 2016, Công ty sẽ phấn đấu khai thác 3.735 ha vườn cây cao su kinh doanh, vượt sản lượng 6.000 tấn mủ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao”.

Gia Linh –Quỳnh Mai – Ngọc Cẩm, nguồn: http://tapchicaosu.vn/phong-su/lao-dong-mua-cao-2017-da-on-dinh.html, ngày 12/6/2017 (CN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>