Tin tức >> Tin cao su trong nước

Khuyến khích hơn nữa sử dụng lao động đồng bào dân tộc thiểu số

07/10/2019

Ngày 27/9/2019, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá thực hiện Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. 


Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên các địa bàn và nâng cao chất lượng đời sống của người lao động (NLĐ), trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số, ngày 08/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 42/2012/QQĐ-TTg về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm mục đích hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp về các khoản: BHXH, BHYT, BHTN; chi cho đào tạo, hỗ trợ định mức lao động và tiền thuê đất khi các đơn vị này có sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Điều này đã tác động tích cực đến hoạt động các đơn vị nhất là đối với các công ty nông, lâm nghiệp, giảm bớt khó khăn và khuyến khích các tổ chức, đơn vị tiếp tục sử dụng nhiều hơn NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập, ổn định đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Chủ trì Hội nghị
Đối tượng được thụ hưởng chính sách này gồm các công ty TNHH MTV nông, lâm, thủy sản do Nhà nước làm chủ sở hữu; Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Hợp tác xã, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Phạm vi triển khai tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện nghèo.
Đây là một chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, để đánh giá những kết quả đã thực hiện và thực trạng triển khai áp dụng Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng, về những tác động, ảnh hưởng của việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị, DN sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số hoạt động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, làm cơ sở để định hướng trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Bảo – Tổng Giám đốc (TGĐ) VRG báo cáo tại Hội nghị
Theo ông Đặng Vũ Trân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị trong 7 năm từ 2012 đến 2018 là gần 500 tỷ đồng, số lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ kinh phí là 109.396 người. Quyết định 42/2012/QĐ-TTg đã có tác động rất lớn đến NLĐ tại khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, chiếm tỷ trọng lớn là 2 doanh nghiệp nông nghiệp trước đây thuộc Bộ NN&PTNT là Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Tổng kinh phí hỗ trợ 2 DN này về bảo hiểm và đào tạo lao động là dân tộc thiểu số hơn 415 tỷ đồng (chiếm 83,1% tổng kinh phí giai đoạn 2012 – 2018).
VRG có 9 đơn vị thành viên có sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trú đóng tại các tỉnh Tây Nguyên được miễn giảm tiền thuê đất từ 2012 – 2018 với số tiền là hơn 97,9 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại có sử dụng lao động là dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động dưới 30% (khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung) không đủ điều kiện miễn giảm tiền thuê đất. Riêng các đơn vị trú đóng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, có sử dụng lao động trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên không thuộc đối tượng nộp tiền thuê đất.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Huỳnh Văn Bảo, TGĐ VRG cho biết, hiện nay, tổng số lao động của Tập đoàn khoảng trên 80 ngàn người trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên 26 ngàn người. Các đơn vị thành viên đã hạch toán giảm giá thành, tăng lợi nhuận (đối với kinh phí hỗ trợ cho lao động là dân tộc thiểu số làm việc cho các khu vực SXKD), hạch toán giảm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) (đối với kinh phí hỗ trợ lao động là dân tộc thiểu số hoạt động trong khu vực XDCB) theo quy định.
Tổng số kinh phí thuộc đối tượng hỗ trợ về BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí đào tạo cho 29 đơn vị thành viên từ 2012 đến 2018 là hơn 403 tỷ đồng. Tổng kinh phí ngân sách đã hỗ trợ từ 2012 – 2017 là hơn 343 tỷ đồng. Kinh phí 2018 đã được Bộ Tài chính và Tập đoàn thẩm tra, hiện đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt hỗ trợ trên 60,6 tỷ đồng. Hiện có 7 đơn vị thành viên Tập đoàn có sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trú đóng tại các tỉnh Tây Nguyên được miễn giảm tiền thuê đất từ 2012 – 2018 với số tiền hơn 91 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VRG phát biểu tại Hội nghị
Trong thời gian qua, việc thực hiện Quyết định đã hỗ trợ các đơn vị thành viên yên tâm sử dụng lâu dài lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các đơn vị có nguồn vốn đáng kể trong tình hình khó khăn do giá mủ cao su giảm mạnh. Đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, giúp các đơn vị sử dụng lao động tiết giảm được suất đầu tư trồng mới, chăm sóc cao su, giảm giá thành sản xuất…
VRG cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương có liên quan đó là tiếp tục thực hiện Quyết định 42/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xem xét giải quyết thêm một số nội dung, cơ chế cho Tập đoàn. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ bằng tiền về kinh phí BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí đào tạo cho các DN sử dụng LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số lâu dài để góp phần ổn định SXKD không giới hạn chỉ hỗ trợ 5 năm;
Công nhân người đồng bào dân tộc tại Cao su Chư Sê. Ảnh: Văn Vĩnh
Tiếp tục hỗ trợ đào tạo lại nghề cho những lao động là đồng bào dân tộc thiểu số do phải thay đổi công việc trong quá trình sử dụng lao động của DN, không giới hạn chỉ đào tạo 1 lần. Đề nghị tiếp tục cho đơn vị sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được tự tổ chức đào tạo các lớp học cạo mủ, sơ chế cao su; Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số là lao động thời vụ tại đơn vị trước khi được tuyển dụng vào làm việc.
Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục có hướng dẫn về chính sách đào tạo cũng như hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn để các địa phương có nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời cho các công ty thành viên. Tập đoàn cũng kiến nghị các địa phương xem xét, thẩm định, phê duyệt quyết toán kinh phí cho các đơn vị kịp thời.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, có thể thấy rõ chính sách hỗ trợ cho người đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các tổ chức, DN là chính sách phù hợp, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, có tác động rất tích cực đến các địa phương, các doanh nghiệp và NLĐ góp phần nâng cao đời sống, ổn định việc làm, an sinh xã hội.
Qua Hội nghị, sẽ tiếp thu, tổng kết, bổ sung các ý kiến của các bộ, ngành, các công ty, DN trong đó làm rõ thêm những hiệu quả, kết quả đã đạt được, đồng thời rà soát, đánh giá những tồn tại trong việc thực hiện Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới.

Minh Tâm – Ảnh: Vũ Phong, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/khuyen-khich-hon-nua-su-dung-lao-dong-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html, ngày 27/9/2019 (TH trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>