Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hỗ trợ ngành cao su tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp

16/11/2020

Ngày 11/11/2020, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam”. Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu bao gồm đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổng cục Lâm nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp chế biến gỗ.


Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, Chủ tịch HĐQT VRG, cho biết: Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam” được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và sự ủng hộ của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) với mục tiêu hỗ trợ các hộ tiểu điền và doanh nghiệp ngành cao su nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu VNTLAS trong chuỗi cung ứng quy mô nhỏ.

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, Chủ tịch HĐQT VRG
phát biểu tại hội thảo
Xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy tuân thủ VNTLAS đối với cao su tiểu điền, Dự án được triển khai với mục tiêu góp phần thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và cuối cùng đóng góp vào quản lý rừng bền vững. Các hoạt động của Dự án sẽ được thực hiện với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm nhằm đảm bảo các kết quả đề ra, từ đánh giá tổng quan về ngành gỗ cao su Việt Nam đến xác định các thách thức, khó khăn trong việc tuân thủ Hệ thống VNTLAS và cuối cùng là xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các hộ tiểu điền và doanh nghiệp sản xuất gỗ cao su.
Quang cảnh hội thảo
Ngoài ra, Dự án sẽ nâng cao năng lực về VNTLAS cho VRA để hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung gỗ cao su trong việc thực hiện theo các tiêu chí của VNTLAS và các vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA/FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU); hỗ trợ nghiên cứu các tác động của việc thực hiện VNTLAS tại nhiều cấp khác nhau ở Việt Nam và xây dựng các thông tin về ngành gỗ cao su thông qua các ấn phẩm để thông báo các bên liên quan trong nước và quốc tế về tiến trình thực hiện VNTLAS tại Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện trong 12 tháng (từ 7/2020 – 7/2021) và triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Kết quả chính và các hoạt động của dự án sẽ bao gồm:
- Đánh giá khả năng tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS của các hộ tiểu điền cung cấp gỗ cao su cho chuỗi cung gỗ tại Việt Nam, được thực hiện thông qua báo cáo đánh giá quốc gia về các nhà sản xuất và nhà máy gỗ cao su tại Việt Nam và đánh giá tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS theo 2 chuỗi cung ứng gỗ cao su được chọn.
- Phát triển một bộ hồ sơ gỗ hợp pháp tiêu chuẩn cho ngành cao su Việt Nam. Xây dựng Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp cho ngành gỗ cao su sẵn sàng để tư vấn thông qua các buổi tham vấn với các bên liên quan trong ngành gỗ, hội thảo kỹ thuật lấy ý kiến phản hồi về dự thảo Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp cho ngành cao su và thông qua kết quả từ việc thí điểm Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp cho ngành cao su tại 2 chuỗi cung ứng gỗ cao su được chọn.
- Nâng cao năng lực cho VRA nhằm hỗ trợ các hội viên cùng với chuỗi cung ứng từ tiểu điền để đáp ứng các yêu cầu của VNTLAS. Xây dựng Sách hướng dẫn về các yêu cầu của VNTLAS cho các nhà sản xuất gỗ cao su tiểu điền.
Hội thảo đã phổ biến thông tin về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS), đặc biệt là sự cần thiết và bài học cho ngành cao su Việt Nam. Đồng thời, thảo luận các vướng mắc trong quá trình thực hiện VNTLAS và kết nối, chia sẻ giữa các bên tham gia.
Việc tuân thủ VNTLAS sẽ có tác động lớn đến ngành cao su, đặc biệt là cao su tiểu điền, khi diện tích rừng trồng cao su năm 2019 đạt 941,3 ngàn ha, trong đó có 479,6 ngàn ha từ các hộ tiểu điền, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước. Năm 2019, xuất khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su trị giá hơn 2,38 tỷ USD. Qua đó, ngành gỗ cao su đã đóng góp 22,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, gồm 19,2% trong xuất khẩu nguyên liệu gỗ và 23,5% trong xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước. Năm 2019, sản phẩm gỗ cao su tiếp tục chiếm tỷ trọng cao hơn nguyên liệu gỗ cao su trong xuất khẩu, đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 76,9% và nguyên liệu gỗ cao su đạt 551,21 triệu USD, chiếm 23,1%. Ngành gỗ cao su Việt Nam không chỉ có tác động đáng kể trong thị trường nội địa, mà còn trong thị trường gỗ quốc tế.
Trần Huỳnh - Ảnh: Đào Phong, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2020/11/11/ho-tro-nganh-cao-su-tuan-thu-he-thong-dam-bao-go-hop-phap/, ngày 11/11/2020 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>