Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hiệu quả từ trồng dứa xen canh dưới tán rừng cao su ở Mường Chà

26/06/2017

 Từ năm 2010 đến nay, hàng trăm hộ dân của nhiều xã trên địa bàn huyện Mường Chà đã góp cổ phần bằng đất rừng, đất sản xuất trên nương với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên trồng cao su. 


 Để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích cho người lao động trong những năm qua, mô hình trồng xen canh cây dứa dưới tán rừng cao su tại xã Sa Lông, Na Sang đem lại hiệu quả kinh tế, mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Gia đình anh Lý A Kỷ, bản Sa Lông (xã Sa Lông) trồng 2 ha dứa xen canh dưới tán rừng cao su vụ dứa năm 2017 thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Hồ Phi Đảng, Giám đốc Nông trường Cao su Mường Chà, cho biết: Hiện nay nông trường đang quản lý, chăm sóc bảo vệ 1.255 ha cao su. Trong đó, diện tích trồng sớm nhất là từ năm 2009, những cây trồng gần nhất năm 2015. Theo kế hoạch năm 2017 sẽ khai thác mủ 120 ha cao su trồng năm 2009. Trong những năm qua, cán bộ, công nhân nông trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ cao su. Hàng năm, đơn vị tổ chức cho công nhân, người lao động làm cỏ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ, phòng chống cháy rừng cao su. Theo quy trình kỹ thuật, cây cao su từ 7 năm trở lên mới cho khai thác, trồng hàng cách hàng 7 m, cây cách cây 2,5 – 3,5 m. Do đó, mấy năm đầu, cao su chưa khép tán, khoảng đất trống giữa các cây lớn, cỏ mọc nhiều, tốn chi phí công làm cỏ. Vì thế, mấy năm gần đây, tại 2 xã Sa Lông, Na Sang của huyện đã có 15 gia đình công nhân trồng xen dứa trong rừng cao su với tổng diện tích 50 ha. Dứa là loại cây có thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ sau 1 năm đã cho thu hoạch. Thực tế cho thấy, trồng dứa xen canh trong rừng cao su cho thu nhập cao mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cao su. Mô hình trồng dứa xen canh của 2 gia đình công nhân Nông trường Cao su Mường Chà: Hồ A Dế, bản Sa Lông (xã Sa Lông); Lò Văn Mười, bản Na Sang (xã Na Sang), vụ năm 2016 thu về 25 – 30 triệu đồng/hộ/năm. Cá biệt, có gia đình anh Lý A Kỷ, bản Sa Lông trồng 2 ha dứa dưới tán rừng cao su từ năm 2014. Vụ năm 2017, gia đình anh đã bán được hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Anh Kỷ cho biết: Trồng dứa xen canh cây cao su hạn chế xói mòn sạt lở đất, giữ độ ẩm cho đất, hạn chế tình trạng cháy rừng, gia súc xâm hại vườn cây, hạn chế cỏ dại phát triển nên giảm nhiều chi phí, công sức làm cỏ cho cao su. Đặc biệt, khi cây cao su chưa khép tán, chưa đến kỳ khai thác mủ, thu hoạch từ dứa giúp cho người dân có thêm nguồn thu, thu nhập cao hơn so với trồng ngô, sắn, lúa nương. Cây dứa có khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh và sử dụng phân bón ít, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Cũng theo anh Kỷ, dứa là loại cây trồng dưới tán rừng cao su cho hiệu quả kinh tế cao so với tất cả các loại cây khác.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa (từ ngô, sắn, lúa nương sang trồng cao su) đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn cao su đang kiến thiết cơ bản chưa khai thác, trồng xen canh dứa dưới tán rừng cao su tăng thu nhập cho người lao động góp đất trồng cao su. Thu nhập từ dứa góp phần cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động trên địa bàn một số xã huyện Mường Chà. Phát huy thế mạnh, khai thác đất đai rừng vào phát triển nông lâm nghiệp đang phát huy hiệu quả tại một số xã trồng cao su trên địa bàn huyện Mường Chà. Thời gian tới, mô hình hiệu quả trên cần được chính quyền các cấp và Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên có cơ chế, chính sách hỗ trợ để nhân rộng.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>