Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hiệu quả từ mô hình sơ chế mủ cao su tại vùng Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị

24/09/2018

 Với suy nghĩ là làm thế nào để giúp cho người dân trong vùng ổn định được đầu ra của sản phẩm mủ cao su, mà lại giảm bớt chi phí vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, Cựu chiến binh Lê Hữu Sáng ở thôn Tân Hải, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã chủ động tự tìm tòi học hỏi công nghệ và đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sơ chế ngay tại địa phương.


 

Mô hình sơ chế cao su của Cựu chiến binh Lê Hữu Sáng tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương
Mới đi vào hoạt động gần một năm nay nhưng cơ sở sơ chế mủ cao su của ông đã giúp cho người dân trong vùng không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm mủ tươi.
Anh Phạm Minh Thọ là một trong những người có diện tích cao su khá lớn ở xã A Dơi. Từ trước tới nay, anh cũng như hầu hết bà con trồng cao su trong vùng, sau khi thu hoạch sản phẩm mủ tươi phải vận chuyển 5 – 10 cây số mới có chỗ nhập. Các điểm thu mua rải rác và đa số của các thương lái từ các nơi khác về. Vừa mất công, tốn kém chi phí vận chuyển mà giá cả lại bấp bênh, không ổn định. Từ ngày cơ sở sơ chế mủ cao su của cựu chiến binh Lê Hữu Sáng đi vào hoạt động, gia đình anh không còn lo lắng về vấn đề này nữa.
Anh Phạm Minh Thọ, thôn Trung Phước, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tôi làm cao su lâu rồi, nhưng để bán được mủ cao su thì khá vất vả. Hiện nay bán cho cơ sở này tôi rất yên tâm, giá cả ổn định, thu mua cũng ổn định mà khỏi vận chuyển đi xa”.
Từ khi có chủ trương của huyện Hướng Hóa về đầu tư phát triển cao su, gia đình ông là một trong những hộ tiên phong trồng điểm. Từ thực tế của việc phát triển cây cao su trong vùng là rất có tương lai, nhưng trước mắt thì bà con còn khó khăn về đầu ra sản phẩm. Ông đã chủ động tìm tòi nghiên cứu qua sách vở, bạn bè người thân ở thành phố Hồ Chí Minh để mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở sơ chế mủ cao su này. Đây là hình thức sơ chế mủ cao su dạng mủ tờ. Tức là sấy khô, ép mỏng từng tờ một. Ưu điểm của mô hình này so với các mô hình thủ công khác là xử lý được mùi hôi trong quá trình sơ chế, không gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm sau khi sấy ép thì dễ dàng vận chuyển, giá cả lại cao hơn mủ tươi. Tất cả sản phẩm sau khi sơ chế xong được nhập cho các công ty lớn ở thành phố Hồ Chí Minh nên rất đảm bảo về đầu ra. Một năm cơ sở này thu mua, sơ chế khoảng 300 tấn, với giá cả rất ổn định. 
Ông Lê Hữu Sáng, thôn Tân Hải, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết: “Gia đình tôi cũng trồng cao su. Tôi thấy tôi cũng như bà con ở đây bán mủ cao su không được ổn định, nên tôi muốn tìm cách để sơ chế, đảm bảo chất lượng, để ổn định được đầu ra cho bà con yên tâm làm cao su, phát triển sản xuất”.
Ông Lê Hữu Thành, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã A Dơi cho biết thêm: “Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng là một hội viên gương mẫu ở địa phương. Mô hình của anh đã tạo điều kiện rất nhiều cho bà con trồng cao su trong vùng. Chúng tôi tiếp tục vận động, tạo điều kiện để nhân rộng mô hình này”.
Cơ sở sơ chế mủ cao su của gia đình ông Lê Hữu Sáng tuy đi vào hoạt động chưa lâu nhưng cơ bản đã giải quyết được bài toán về đầu ra của sản phẩm, giúp bà con yên tâm đầu tư phát triển diện tích cao su. Mô hình này đem lại thu nhập khá cao cho gia đình ông, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động ở địa phương với mức lương từ 4 triệu rưỡi đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mô hình rất đáng được nhân rộng, nhất là trên tuyến vùng Lìa – nơi tập trung phần lớn diện tích cao su của huyện Hướng Hóa.
Tác giả bài viết: Thanh Huyền- Khánh Hưng, nguồn: http://huonghoa.quangtri.gov.vn/Kinh-te-Thi-truong/hieu-qua-tu-mo-hinh-so-che-mu-cao-su-tai-vung-lia-huong-hoa-662.html, ngày 18/9/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>