Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hiệp định VPA/FLEGT: Doanh nghiệp phấn khởi xen lẫn âu lo

07/11/2016

Dự kiến kết thúc đàm phán vào ngày 18/11/2016, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ, sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu (XK) gỗ sang EU. Mặc dù ủng hộ hiệp định này, song nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tỏ ra khá âu lo trong khâu thực thi.


 

Dư địa mở rộng XK gỗ và sản phẩm gỗ sang EU còn khá rộng mở (Ảnh: N.Thanh)
Nhiều lợi ích…
Hiệp định VPA/FLEGT được chính thức bắt đầu đàm phán từ tháng 11/2010 giữa Việt Nam và EU, đến nay đã bước vào giai đoạn cuối, chuẩn bị kết thúc. Mục tiêu khi đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU là mở rộng thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK sang EU.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Dự kiến khi hiệp định được ký kết, các DN chế biến, XK gỗ XK sang EU sẽ được hưởng khá nhiều thuận lợi. Điển hình các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Qui chế gỗ của EU (gọi tắt là EUTR 995/2010) có hiệu lực từ tháng 3/2013, tránh được rủi ro không đáng có. Ngoài ra, Việt Nam thiết lập hệ thống VNTLAS được quốc tế công nhận, không chỉ phù hợp với quy định của các Hiệp định thương mại (FTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) về truy xuất nguồn gốc gỗ mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam, mở rộng thị trường XK không chỉ ở EU mà cả ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… Bên cạnh đó, ký kết Hiệp định VPA/FLEGT còn góp phần cải thiện hệ thống pháp luật về quản lý rừng và chế biến gỗ XK của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; thu hút nguồn tài trợ và hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực cho DN, hộ gia đình và các cơ quan thực thi VNTLAS…
Đứng từ góc độ DN chế biến, XK gỗ nhiều năm nay, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương) - cho biết: Qua 3 lần tham dự tham vấn về hiệp định, DN rất ủng hộ. Khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết, dự kiến XK gỗ của DN vào thị trường EU sẽ thuận lợi hơn nhiều so với hiện tại. “Thực tế, lâu nay, phía EU rất quan ngại chuyện DN Việt Nam mua nguyên liệu gỗ từ các quốc gia Lào, Campuchia… bởi lo ngại thiếu tính hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, gỗ NK từ các thị trường này chủ yếu được tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc chứ không XK sang EU. DN thực sự XK gỗ vào EU đa phần sử dụng gỗ rừng trồng trong nước và gỗ NK từ các thị trường có nguồn gốc gỗ hợp pháp như EU, Hoa Kỳ… Vốn là thế, song thời gian qua vẫn còn sự hoài nghi. Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ góp phần làm rõ ràng vấn đề này, để DN Việt Nam dễ dàng chứng minh hơn”, ông Liêm lý giải.
… nhưng không ít băn khoăn
Không phủ nhận những lợi ích và Hiệp định VPA/FLEGT đem lại, tuy nhiên ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty SADACO kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho rằng, còn rất nhiều điều phải bàn về những nội dung cụ thể và cả khâu thực thi sau khi Hiệp định được ký kết. “Tôi cho rằng, trong danh mục các loại gỗ cần kiểm tra nguồn gốc thì gỗ cao su và gỗ tràm bông vàng không cần kiểm tra. Trong 30 năm tham gia chế biến, XK gỗ, tôi chưa bao giờ thấy một lô gỗ cao su nào được khai thác từ rừng cao su mà không rõ nguồn gốc vì chủ rừng cao su không trồng lén được mà phải đủ mọi giấy phép mới ra được rừng cao su, có thể khai thác mủ. Thực tế, gỗ cao su nguyên liệu chỉ là nguồn tận dụng lại để chế biến, XK. Còn gỗ tràm bông vàng vốn là gỗ rừng trồng, khá hợp pháp. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ từ khách hàng EU và Hoa Kỳ tăng nên loại gỗ này mới được sử dụng, còn trước đó sử dụng rất ít”, ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, hệ thống VNTLAS vô cùng phức tạp. Nếu chương trình triển khai thực sự sẽ động chạm đến mọi thành phần, thậm chí cả các hộ tư nhân, hộ gia đình nghèo. Bởi vậy, nội dung cần cố gắng lọc lại, những vấn đề đơn giản như gỗ cao su hay gỗ tràm bông vàng, nguồn gốc đã rõ ràng thì không cần đưa vào kiểm soát để làm cho vấn đề thêm nhiễu.
Xuất phát từ việc đánh giá nội dung còn phức tạp, ông Mạnh đề nghị khi triển khai Hiệp định VPA/FLEGT nên tiến hành theo lộ trình rõ ràng, đi từ các vấn đề đơn giản nhất để các DN có thể cập nhật được, đặc biệt là khi trong ngành chế biến, XK gỗ chủ yếu là các DN quy mô vừa và nhỏ. Lộ trình phải cân đối giúp DN có thể tiếp thu, vận dụng thực tế, tránh tình trạng không hiểu rõ ràng, khó triển khai, DN lại phải thuê riêng chuyên gia để hỗ trợ làm tăng chi phí cũng như gây ảnh hưởng tới quá trình và kim ngạch XK.
Liên quan tới vấn đề này, ông Liêm bổ sung thêm: DN rất quan tâm đến khâu thực thi sau khi Hiệp định VPA/FLEGT ký kết. Ở Việt Nam lâu nay có tình trạng các thủ tục hành chính thì “hành là chính” nên DN hy vọng việc cấp phép FLEGT sẽ không như vậy, thực sự tạo thuận lợi, dễ dàng cho DN. “Tôi đề nghị việc cấp phép nên làm trên mạng, cấp phép trước, giải trình sau. Ngoài ra, cần phân loại các DN cho tốt, trên cơ sở đó tiến hành cấp phép FLEGT hàng năm chứ không nên cấp theo chuyến. Bản thân DN tôi, mỗi ngày XK trên chục container, mỗi container đi một cảng biển khác nhau ở EU, nếu cấp phép theo chuyến thì cần tới mười mấy giấy phép. Khi đó, số lượng người để lo phần cấp phép sẽ tăng lên, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh cho DN”, ông Liêm nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn, nguồn: http://vfpress.vn/kinh-doanh/hiep-dinh-vpaflegt-doanh-nghiep-phan-khoi-xen-lan-au-lo-315706.html, ngày 30/10/2016 (TD trích dẫn)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>