Tin tức >> Tin cao su trong nước

Gỗ Thuận An: Tổng sản lượng 9 tháng đạt trên 93% kế hoạch

19/11/2018

 Tính đến đầu tháng 10/2018, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An (TAC) nằm trong tốp đầu khối các công ty chế biến gỗ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động (NLĐ).


 

Sản phẩm Gỗ Thuận An đã có mặt tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo Ban Công nghiệp và công ty thành viên VRG tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty. Ảnh: Bình Nguyên
Các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch
Lãnh đạo TAC cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng chế biến 47.153 m3, đạt 93,19% kế hoạch (KH) năm, doanh thu trên 439 tỷ đồng (đạt 75% KH), lợi nhuận trước thuế 16,82 tỷ đồng (93,72% KH), thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Ước tính năm 2018, Công ty sản xuất sản lượng khoảng 55.601 m3, vượt khoảng 10% so KH, tổng doanh thu trên 593 tỷ đồng, đạt hơn 101%, lợi nhuận trước thuế 21,4 tỷ đồng, vượt 20% so KH, thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng.
“Đạt thành quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể CB.CNV Công ty cộng với sự giúp đỡ kịp thời của VRG cũng như các công ty cao su. Ban lãnh đạo Công ty thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động”, đại diện lãnh đạo TAC cho biết.
Hiện tại, TAC đã được chứng nhận hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn FSC-CoC. Công ty là thành viên của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Gỗ Bình Dương và Hiệp Hội Cao su Việt Nam.
Ngay từ đầu, Công ty xác định thương hiệu Gỗ Thuận An là tài sản quý trong quá trình phát triển của đơn vị. Do đó, hoạt động quảng bá thương hiệu được lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm. TAC đã sử dụng các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chương trình quảng bá và tổ chức sự kiện để giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, Gỗ Thuận An không những giữ được khách hàng và thị trường đã có như châu Âu, Mỹ mà còn phát triển thêm khách hàng và thị trường mới là Nhật Bản và các nước trong khu vực. Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Công ty đã tạo được sức cạnh tranh với các nước ASEAN.
Tổ chức sản xuất khoa học
Hiện nay, ngành gỗ trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI đang cạnh tranh gay gắt về đơn hàng, giá bán, cũng như lao động có tay nghề cao. Vì vậy, Gỗ Thuận An đã xây dựng phương án ứng phó với như đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tìm kiếm thị trường mới nhằm mở rộng sản xuất. Đồng thời, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Đặc biệt, Công ty chú trọng công tác huấn luyện các chương trình quản lý như 5S của Nhật Bản, SCORE, LSS (thuộc Hiệp hội Gỗ Bình Dương) với các nội dung: Quản lý chất lượng sản phẩm, chống lãng phí, sản xuất sạch hơn và sản xuất đồng bộ, đúng hạn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; an toàn vệ sinh lao động…
Hiện nay, TAC đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: sắp xếp lại dây chuyền sản xuất theo chuyên môn hóa, đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cho phù hợp với từng dòng sản phẩm mới và giảm lao động thủ công. Đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động hơn nữa của chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ tại doanh nghiệp.
Song song đó, TAC tăng cường công tác kiểm soát kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo giao hàng đúng tiến độ. Từ đó, tạo uy tín với khách hàng, xem chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ, chế độ hậu mãi là nền tảng của sự phát triển bền vững. Đặc biệt, cải thiện hơn nữa công tác an toàn, vệ sinh và môi trường làm việc đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
                                                                                        Ng.Cường, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thi-truong-cao-su/thi-truong-trong-nuoc/go-thuan-an-tong-san-luong-9-thang-dat-tren-93-ke-hoach.html, ngày 06/11/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>