Tin tức >> Tin cao su trong nước

Giá mủ thấp, tiểu điền vẫn mở cạo

12/09/2016

 Với giá mủ cao su vào thời điểm tháng 7/2016, loại mủ đông trong chén dao động ở mức 11.000 – 12.000 đ/kg tại vựa thu mua, nhiều hộ cao su tiểu điền vẫn chọn việc mở cạo những vườn cây tơ có năm trồng thứ 6 như một sự thử nghiệm lãi hay lỗ.


 Cây tơ mở cạo có lãi?

Chị Huỳnh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH – SX – TM Nhà máy ép dầu điều Vân Minh Long có trụ sở tại ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, H.Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu, có hơn 1 ha cao su giống cây PB 260 năm trồng 2010 tại ấp Liên Sơn. Hiện tại đã mở cạo 540 cây và đang áp dụng chế độ cạo d3 (tức cạo 1 ngày và nghỉ 2 ngày), cạo được 9 dăm cạo/tháng. Vườn cây chị Hằng mới cho 18 kg mủ đông/ngày ở dăm thứ 9.
Mỗi ngày chị thuê công cạo và trút mủ gần 200.000 đồng. Mặc dù phải bù lỗ tiền thuê, nhưng chị vẫn quyết định không ngừng cạo, nếu năng suất vườn cây cho sản lượng mủ thấp thì chị sẽ cho bón phân vườn cây. Chị Hằng cũng cho biết thêm: Do vườn cây được trồng trên diện tích đất trồng không bằng phẳng, thường xuyên bị mưa rửa trôi đất và chất mùn hữu cơ vốn cung cấp dinh dưỡng cho cây sinh trưởng. Có thể đây là nguyên nhân chính mà vườn cây của chị cho năng suất thấp.
Tuy nhiên, chị vẫn tự tin về quyết định mở cạo vào thời điểm này là đúng đắn và hy vọng sẽ có lãi vào những tháng sắp tới. Anh Trần Văn Tính – ngụ ở xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai (giáp ranh với địa phận xã Xà Bang, H.Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng có hơn 1 ha cao su cùng giống cây, năm trồng… nhưng mở cạo trước hơn nửa tháng so với vườn cao su của chị Huỳnh Hằng. Tuy nhiên, hiện tại vườn cây của anh Tính với 520 cây cao su được mở cạo đã cho năng suất mủ từ 35 – 40 kg/dăm cạo.
Anh Tính phấn khởi cho biết: “Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, tôi tranh thủ vào buổi trưa nghỉ ngơi, hoặc buổi chiều tối để đánh đông và bóc mủ. Tôi chỉ thuê công cạo là 130.000 đ/công thì vẫn còn có lãi khoảng 300.000đ/ngày cạo”. Chúng tôi quan sát mỗi ngày thì thấy năng suất mủ vườn cây anh Tính vẫn đang nhích tăng dần lên rõ rệt.
Không chạy theo xu hướng trồng chặt…
Tuy nhiên khi được hỏi nếu như thị trường không ổn định và giá mủ cao su xuống thấp hơn mức hiện tại thì sao. Cả chị Hằng và anh Tính đều có chung ý nghĩ cho rằng vẫn duy trì đeo đuổi với giống cây trồng mà mình đã lựa chọn và khẳng định một câu chắc nịch là… rất khó lỗ. “Nếu giá mủ thấp quá thì mình sắp xếp gia đình tự cạo và trút mủ lấy công làm lời vậy”, anh Tính cho biết.
Anh chị quyết tâm không chạy theo xu hướng giá cả của các loại cây trồng để rơi vào vòng luẩn quẩn trồng chặt, chặt trồng… mà bao nhà nông phải điêu đứng khốn đốn. Với một số nông dân, khi đổ tiền vào những giống cây trồng trong khi không có am hiểu lẫn kinh nghiệm dẫn đến cây chết, không đạt hiệu quả hay không cho trái… Vậy là trắng tay tiền mất tật mang.
Được biết, theo kinh nghiệm của những chuyên gia về cao su chia sẻ, cây cao su nếu không khai thác thì cũng như trồng rừng và bán gỗ vẫn có lãi… Trường hợp của anh Tính và chị Hằng cho thấy, cây cao su hiện tại vẫn là sự lựa chọn để phát triển trồng cao su tiểu điền trên diện rộng của người nông dân. Mặc dù cũng không ít nông dân đã chặt bỏ để theo trồng những loại cây trồng khác như: hồ tiêu, bưởi da xanh, bơ… Những sự lựa chọn đó không hẳn đều đem đến thất bại cho họ, có hộ nông dân khi chuyển đổi cây trồng cũng gặt hái được những thành quả lợi ích kinh tế mỹ mãn…
Việc chặt phá bỏ vườn cây cao su cũng cần cân nhắc vốn liếng đã đầu tư. Hơn nữa, là phải chiết tính kỹ lưỡng với lợi ích trước mắt và lâu dài của từng chủng loại cây trồng khi chuyển đổi. Đối với cây cao su thì càng lâu năm, năng suất sản lượng mủ càng cho nhiều và theo chu kỳ khi cây cao su già cỗi thanh lý cũng đem lại nguồn lợi có giá trị kinh tế rất cao từ gỗ mà không phải giống cây trồng nào cũng có được.
Nguyễn Củ Cải, nguồn: http://tapchicaosu.vn/phong-su/gia-mu-thap-tieu-dien-van-mo-cao.html, ngày 08/9/2016 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>