Tin tức >> Tin cao su trong nước

Diễn đàn đối thoại chính sách “Nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính”

19/09/2016

Sáng ngày 13/9/2016, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách với chủ đề “Nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính”.


Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Kim Long khẳng định mục tiêu của Diễn đàn là trao đổi thông tin kế hoạch triển khai việc thực hiện, đóng góp của quốc gia theo khuôn khổ Giảm phát thải khí nhà kính trong cam kết đóng góp do quốc gia tự xác định (INDC) ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Chính phủ Canada tài trợ. 

Kế hoạch thực hiện đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam được xây dựng trên 3 nguyên tắc: rà soát, đánh giá các phương án giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp; rà soát và cập nhật các cơ chế chính sách, chiến lược, kế hoạch của ngành có liên quan; đề xuất về lựa chọn các phương án, quy mô giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, nguyên nhân phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa Việt Nam là do khí CH4 từ cánh đồng lúa ngập nước thường xuyên, sử dụng phân đạm không đúng cách gây phát thải khí N2O, và thói quen đốt rơm rạ gây phát thải khí CO2. Do đó, việc áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã có những kết quả đáng khích lệ. Tỉ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ 25 – 30%, trong đó khí CH4 giảm từ 14 - 21%, NO2 giảm từ 15 – 22%, CO2 giảm từ 22 – 27%.
PGS., TS. Hoàng Văn Phụ (Đại học Thái Nguyên), Điều phối viên Chương trình thí điểm Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), cho biết SRI là cách tiếp cận nông nghiệp sinh thái hiệu quả tạo môi trường bền vững, góp phần cải thiện an sinh xã hội, thay đổi tư duy của người nông dân nhờ các ưu điểm như tiết kiệm thóc giống, tiết kiệm nước, giảm sâu bệnh, năng suất tăng và bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, giảm 8% phát thải khí nhà kính do quốc gia thực hiện và giảm 25% phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế, ngành nông nghiệp cần quan tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Việc phát triển mô hình canh tác lúa-cá, lúa-tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được tiếp tục phát huy tối đa do mô hình này đòi hỏi đầu tư thấp, ít dịch bệnh, ít dùng kháng sinh nên cá, tôm có chất lượng cao. Mô hình canh tác này được đánh giá là thông minh dưới tác động của biến đổi khí hậu giúp cải thiện khả năng thích ứng và giảm phát thải.
Diễn đàn sẽ cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chế biến lương thực, thực phẩm. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính của người dân và cộng đồng. 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>