Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đề xuất chính sách và giải pháp phát triển nông sản gắn với nhãn hiệu

15/05/2017

 Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam được tổ chức ngày 27 – 28/4/2017 tại thành phố Hội An, Quảng Nam.


Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay, 8 ngành hàng nông lâm thủy có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2016 gồm thủy sản (6,99 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (6,91 tỷ USD); cà phê (3,36 tỷ USD); điều (2,84 tỷ USD); rau quả (2,42 tỷ USD); gạo (2,19 tỷ USD); cao su (1,67 tỷ USD); hồ tiêu (1,42 tỷ USD) và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt là các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường còn yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi.
Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của ViệtNam.
Để triển khai việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đảm bảo các yêu cầu được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng, có lộ trình bền bỉ, lâu dài và có thể áp dụng khả thi trong  thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:
- Ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ;
- Ưu tiên các chính sách hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết phối hợp giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu;
- Có chính sách, chủ trương nhất quán của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển thương hiệu, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm nông sản chủ lực và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nông nghiệp. Hoàn thiện các quy định pháp lý về thương hiệu; Các thuật ngữ về thương hiệu, nhãn hiệu sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được thống nhất chung cách hiểu;
- Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó có bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng thương hiệu … một cách khả thi áp dụng thực tiễn  để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện;
- Tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt qui mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất. Tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng;
- Hỗ trợ công tác nghiên cứu, khảo nghiệm; chuyển giao nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến, thiết lập các hệ thống cung giống, vật tư đầu vào chất lượng, dịch vụ hậu cần sản xuất đạt tiêu chuẩn, thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, truy nguyên nguồn gốc; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm để các sản phẩm đã và đang xây dựng thương hiệu có chất lượng tốt, ổn định, dần khẳng định vị thế trên thị trường;
- Phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản;
- Tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để thống nhất quan điểm trong việc áp dụng quy trình sản xuất, hạn chế sản xuất tự phát, làm mai một danh tiếng các sản phẩm đặc sản địa phương trong mắt người tiêu dùng;
- Đầu tư nghiên cứu, dự báo thị trường nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản. Có cơ chế hỗ trợ chia sẻ thường xuyên, định kỳ thông tin dự báo thị trường  từ trung ương về địa phương để giúp các tỉnh định hướng triển khai các qui hoạch, tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao;
- Thực hiện phối hợp lồng ghép các chương trình có kinh phí, nhân lực do các Bộ, Ban, Ngành, địa phương quản lý như Chương trình khuyến công, chương trình khuyến nông, Chương trình xúc tiến thương mại, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, chương trình xây dựng nông thôn mới…. có cùng các nội dung triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển của ngành, sản phẩm và địa phương;
-  Kiện toàn tổ chức, chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; tổ chức vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể; có cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chính sách và giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất để triển khai việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực như ưu tiên chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết phối hợp giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu; phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu …
 Những chính sách này cũng sẽ tạo điều kiện để ngành cao su phát triển thương hiệu Cao su Việt Nam trên cơ sở Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” của Hiệp hội Cao su Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và một số thị trường nước ngoài.

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>