Tin tức >> Tin cao su trong nước

Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao

17/07/2017

 Những năm gần đây, công tác tái canh trồng mới (TCTM) được Tâp đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên đặc biệt chú trọng. 


 Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), VRG chủ trương thay thế những vườn cây già cỗi, năng suất kém bằng giống mới, năng suất cao, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong TCTM cũng như thâm canh, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB).

Kỳ 1: Đồng bộ áp dụng cơ giới hóa tốt, năng suất cao
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cụ thể là cơ giới hóa, mà những năm gần đây, các công ty cao su trực thuộc VRG đã hoàn thành tốt công tác TCTM, cây sống đạt tỷ lệ 100%, tầng lá và vanh thân vượt chuẩn.
Sử dụng máy khoan hố trồng cao su tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: CTV
Giảm công lao động trực tiếp
Bước vào mùa TCTM năm 2017, các công ty cao su đã áp dụng đồng bộ cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, đẩy nhanh tiến độ công việc. Điển hình như Công ty CP Cao su (CPCS) Tân Biên, bà Lê Thị Bích Lợi – Phó Tổng Giám đốc – cho biết: “Để thực hiện tốt công tác TCTM, trong những năm qua, lãnh đạo Công ty không ngừng đẩy mạnh cơ giới hóa, từ múc mương đến khoan hố trồng cây, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ bệnh nhằm đẩy nhanh tiến độ trồng mới và tiết giảm chi phí đầu tư”.
Năm nay, Cao su Tân Biên trồng tái canh 510 ha, Công ty đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm công lao động trực tiếp. Chị Nguyễn Thị Yến – công nhân chăm sóc đội 1, Nông trường (NT) Bổ Túc, Cao su Tân Biên – chia sẻ: “Ngày trước TCTM rất vất vả và định mức không cao. Từ khi Công ty đổi mới công nghệ, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào TCTM, nhờ cơ giới hóa, chúng tôi đỡ rất nhiều về năng suất lao động, thu nhập tốt hơn, định mức làm rất cao. Ngày trước chỉ trồng khoảng 60 cây/công, nhưng bây giờ trên 300 cây/công, vì các khâu đã có máy móc làm thay”.
Tương tự Cao su Tân Biên về diện tích TCTM, tại Cao su Tây Ninh, bà Trần Thị Thanh Nghê – Phó Phòng Kỹ thuật Công ty – cho biết: “Năm 2017, Công ty TCTM 539 ha. Chủ trương của Công ty là thực hiện đồng bộ cơ giới hóa để giảm công lao động, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay. Từ giai đoạn đào, lấp hố đến vận chuyển, rải bầu tại vị trí hố trồng đều sử dụng cơ giới hóa để tiết giảm công lao động và thời gian rải bầu”.
Tiến độ hoàn thành sớm, kịp thời vụ
Những năm gần đây, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG thường xuyên có văn bản kịp thời thông báo đến các đơn vị về tình hình thời tiết khí hậu tại địa phương, từng tiểu vùng để trồng khi thời tiết thuận lợi và phấn đấu kết thúc TCTM đúng thời vụ. Ông Phan Sơn – Trưởng Phòng Kỹ thuật Cao su Phước Hòa – cho biết: “Năm nay thời tiết tốt, không có hạn kéo dài như năm trước, thuận lợi cho việc TCTM. Công ty đã chủ động chuẩn bị khâu làm đất kịp thời vụ, với diện tích trồng mới 1.077 ha. Nhiều năm qua, nhờ áp dụng cơ giới hóa, công tác TCTM luôn đạt kết quả tốt tại các NT”.
Các đơn vị đồng bộ sử dụng máy đào, lấp hố để giảm công lao động. Ảnh: Ngọc Cẩm
Các đơn vị bắt đầu trồng mới từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 7 theo sự hướng dẫn của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG. Trong những năm qua, Cao su Phú Riềng nhờ thực hiện tốt việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào TCTM nên cây cao su luôn đạt hiệu quả cao với tỷ lệ cây sống đạt cao nhất so với các công ty cao su trong ngành. Năm 2017, Cao su Phú Riềng tái canh, trồng mới 1.100 ha cao su. Ông Trần Văn Đức – Trưởng Phòng Kỹ thuật NT 9 – chia sẻ: “Sử dụng đồng bộ cơ giới hóa trong TCTM được Công ty Cao su Phú Riềng áp dụng đồng loạt ở các NT từ rất lâu rồi. Năm nay, NT 9 tiến hành trồng mới với diện tích 96 ha từ ngày 25/5 – 30/7 theo sự chỉ đạo của Công ty”.
Năm 2017, Cao su Đồng Phú TCTM 488 ha cao su. Rút kinh nghiệm trong năm 2016, Công ty gặp khó khăn trong công tác TC, như thời gian giao mặt bằng của bên thầu cưa cắt chậm trễ dẫn đến diện tích phải gối vụ 102 ha (chiếm 22,1%). Năm nay, Công ty đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cưa cắt cây cao su thanh lý, bảo đảm trồng đúng thời vụ. “Công tác TCTM được Công ty chuẩn bị tốt. Ở các khâu đều đồng bộ áp dụng cơ giới hóa, chính vì vậy mà tiến độ TCTM nhanh, giảm nhiều công lao động”, ông Trần Vĩnh Tuấn – Trưởng Phòng Kỹ thuật Cao su Đồng Phú chia sẻ.
Từ cuối tháng 5, Cao su Bình Thuận cũng đã chuẩn bị trồng mới 250 ha cao su theo đúng quy trình kỹ thuật VRG ban hành. Ông Phạm Văn Cường – Trưởng Phòng Quản lý kỹ thuật Cao su Bình Thuận – cho biết: “Công ty luôn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng, cải tiến các phương pháp trồng hợp lý và tận dụng mọi yếu tố thuận lợi về thời tiết, thời gian, bên cạnh các biện pháp thâm canh chăm sóc đúng quy trình… để cây sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng cao”.
Áp dụng đồng bộ nên chất lượng vườn cây tốt
Năm 2017, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trồng TC khoảng hơn 1.100 ha. Đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, công tác trồng TC năm nay thuận lợi, do mưa đến sớm và lượng mưa nhiều nên tiến độ TC sớm hơn mọi năm. Hơn nữa, Dầu Tiếng là đơn vị đã áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào TCTM nhiều năm qua, nên chất lượng vườn tốt.
Vận chuyển bầu giống để trồng tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Phan Thắng
Tại NT Thanh An, công tác TCTM năm nay diễn ra rất thuận lợi. Là một trong những đơn vị đi đầu trong Cao su Dầu Tiếng về việc áp dụng cơ giới hóa vào công tác khai hoang, trồng mới từ rất sớm, nên việc cưa cắt cây, giải phóng mặt bằng, phóng nọc, khoan hố được thực hiện nhanh và sớm.
Năm nay, do diện tích TC ít, nên chỉ trong 2 ngày đồng loạt ra quân, với hơn 240 công nhân lao động, NT Thanh An đã trồng TC hoàn chỉnh 25 ha. Trước đó 1 tháng, công tác dọn dẹp cành nhánh, chuẩn bị mặt bằng đã hoàn tất. NT chỉ chờ có mưa là tiến hành trồng. Bộ giống trồng TC năm nay là RRIV 114 – một loại giống mới có năng suất cao của Viện Nghiên cứu Cao su VN.
Còn ông Lê Phương Trung – Giám đốc NT Thanh An, cho rằng nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu TCTM nên chất lượng vườn cây khi đưa vào mở cạo đạt độ đồng đều cao. “Thanh An là một trong những đơn vị trong Công ty Dầu Tiếng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ rất sớm. Trong nhiều năm qua, sử dụng máy móc giúp tiến độ TC nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nếu trước đây, khi rải bầu để trồng, công nhân làm thủ công, bưng bê từng bầu rất vất vả và chậm. Còn sử dụng máy kéo đi rải bầu thì tiến độ nhanh hơn rất nhiều, công việc trồng cũng thuận lợi, thời vụ kết thúc sớm hơn. Nhờ áp dụng cơ giới hóa mà năng suất lao động tăng lên, chất lượng vườn cây đồng đều, khi đưa vào mở cạo đạt năng suất cao hơn”, ông Trung nhận xét.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, năm nay, diện tích TCTM của Công ty là 663,4 ha, Công ty dự kiến thực hiện 725 ha. Hiện nay, Công ty đã trồng được 330 ha. Để việc TCTM kịp tiến độ và đạt hiệu quả cao, Công ty đã thực hiện cơ giới hóa, hóa học hóa, cụ thể vào các công việc như: Cơ giới hóa được áp dụng trong các công việc khoan hố trồng cây, cày tủ bồn giữ ẩm, phun thuốc diệt cỏ, phun thuốc phòng trị bệnh…
Còn tại Tổng công ty Cao su Đồng Nai, diện tích TCTM của Cao su Đồng Nai năm nay là 1.866 ha. Với thời tiết thuận lợi, các công đoạn phục vụ đã chuẩn bị từ trước nên công tác TCTM diễn ra rất thuận lợi. Bắt đầu từ tháng 6, bắt đầu mùa vụ TCTM, dự kiến đến hết ngày 30/7 sẽ hoàn thành.
Ngay từ đầu mùa vụ, Cao su Đồng Nai đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để các đơn vị học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế xoay quanh vấn đề TCTM. Cao su Đồng Nai cũng tăng cường hướng dẫn các đơn vị thực hiện cơ giới hóa, hóa học hóa trên vườn cây xây dựng cơ bản nhằm tiết giảm suất đầu tư, góp phần làm giá công cho NLĐ cao hơn. Bên cạnh đó, Cao su Đồng Nai cũng phát động phong trào thi đua trong mùa vụ này, nhờ đó xuất hiện nhiều gương cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác giống, TCTM. Tổng số tiền khen thưởng mùa vụ TCTM năm nay lên đến 345 triệu đồng.
Ngọc Cẩm – Bình Nguyên – Lâm  Khanh, trích nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/ky-thuat-cao-su/de-vuon-cay-chat-luong-tot-nang-suat-cao.html, ngày 13/7/2017 (CN trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>