Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng ngành gỗ

24/04/2017

 Sáng ngày 14/4/2017, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử Trưởng Ban Tư vấn Phát triển ngành cao su tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp “Kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ” tại TP. Hồ Chí Minh. 


 Diễn đàn này do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức nhằm đánh giá về tiềm năng của các liên kết trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ, xác định các nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của các liên kết trong ngành, đưa ra các kiến nghị đối với cơ quan quản lý Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp hình thành và đẩy mạnh các liên kết trong tương lai vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số hiệp hội, chuyên gia, hộ trồng rừng, doanh nghiệp cung ứng gỗ, xuất nhập khẩu gỗ và gỗ cao su.
Ngành gỗ Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu với mức bình quân 15,1% hàng năm trong giai đoạn 2010 – 2015, nhưng năm 2016 chỉ tăng 1,1%, đạt 6,97 tỷ USD, và có dấu hiệu chững lại trong những năm sắp đến. Để tạo động lực mới thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục phát triển, cần tăng cường liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng theo mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường chuyên môn hóa.
Hiện nay, ngành gỗ có hơn 4.300 doanh nghiệp, nhưng 95% có quy mô nhỏ. Sự liên kết trong ngành gỗ chỉ mới hình thành với số lượng thấp, rời rạc và tự phát. Tuy nhiên, cũng có những mô hình liên kết hiệu quả cần tiếp tục phát triển và nhân rộng: Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) làm đầu mối nhập khẩu nguồn nguyên liệu gỗ cứng ổn định và hợp pháp để cung cấp cho các nhà chế biến gỗ Việt Nam; Công ty Scansia Pacific liên kết với Tập đoàn IKEA và hộ trồng rừng để tạo nguồn nguyên liệu gỗ ổn định có chứng chỉ FSC; Công ty CP Lâm sản Nam Định (Nafoco) liên kết với trên 400 hộ trồng hơn 1.300 ha rừng ở Yên Bái để cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC…
Theo đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản phẩm gỗ cao su xuất khẩu đã đóng góp gần 30% kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su trong 2 năm gần đây, đạt khoảng 1,5 tỷ USD năm 2016. Với diện tích tái canh cao su hàng năm khoảng 20.000 – 40.000 ha/năm, ngành có thể cung cấp cho thị trường khoảng 3,6 – 8 triệu m3 gỗ tròn/năm. Nhưnggỗ cao su khi thanh lý phải qua cơ chế đấu giá theo quy định về tài sản Nhà nước. Do đó, doanh nghiệp cung cấp gỗ cao su cũng gặp hạn chế trong việc chủ động liên kết với các doanh nghiệp chế biến gỗ. Mặt khác, gỗ cao su thanh lý hiện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất (22%), trong khi thu nhập từ thanh lý của cây trồng khác được miễn thuế, do vậy, làm tăng giá của gỗ cao su trong nước. Hiệp hội Cao su Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại chính sách đối với gỗ cao su thanh lý để tạo thuận lợi cho việc kinh doanh gỗ cao su như  nông sản khác.
Để nâng cao năng lực và hiệu quả của ngành chế biến gỗ, phần lớn các đại biểu thống nhất cần tăng cường sự liên kết trong ngành, trong đó, quan trọng hàng đầu là có nguồn cung nguyên liệu ổn định, giá cả cạnh tranh và có chứng nhận hợp pháp, bền vững. Ngoài ra, cần Bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn hiện tại về chính sách thuế, thông tin thị trường nội địa, chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp gỗ trong các khu công nghiệp… 
Đại diện của các cơ quan Nhà nước tham dự Diễn đàn đã đồng thuận sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển các liên kết trong ngành chế biến gỗ thông qua các chính sách thông thoáng và cơ chế thuận lợi, đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành gỗ.
Ông Cao Chí Công – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, phát biểu tại Diễn dàn
Hiệp hội Cao su Việt Nam – Ban Tư vấn PTNCS (Hoa Trần)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>