Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đánh giá tính bền vững trong liên kết công ty và hộ dân góp đất trồng cao su

24/04/2017

 Nhận lời mời của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử Trưởng Ban Tư vấn Phát triển ngành cao su tham gia “Tọa đàm Chính sách Liên kết Công ty – Hộ trồng rừng: Tăng cơ hội, giảm rủi ro cho phát triển bền vững” ngày 17/4/2017 tại Hà Nội.


 Tọa đàm do VIFORES và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng của mô hình liên kết giữa công ty chế biến gỗ và các hộ gia đình trồng rừng có chứng chỉ và mô hình liên kết giữa công ty cao su và các hộ gia đình góp đất trồng cao su; thảo luận những thuận lợi và khó khăn trong việc hình thành và vận hành các liên kết này, đưa ra những kiến nghị về chính sách nhằm thay đổi các mô hình này theo hướng tăng cơ hội và giảm rủi ro trong tương lai.

Tham dự Tọa đàm có đại diện của Vụ Nông nghiệp Nông thôn – Ban Kinh tế trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số hiệp hội, chuyên gia, hộ trồng rừng, hộ trồng cao su, doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp ngành cao su.
Giá trị xuất khẩu của ngành gỗ đạt gần 7 tỷ USD năm 2016, đứng thứ bảy trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp 3,9% cho tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và giúp Việt Nam giữ vị trí thứ tư trên thị trường gỗ thế giới. Để ngành gỗ Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, sự liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng rất cần thiết để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, có chứng chỉ theo yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, đã có một số mô hình liên kết với các hộ trồng rừng để cung cấp gỗ có chứng chỉ. Được sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), nhóm 517 hộ ở Quảng Trị đã được cấp chứng chỉ FSC trong 5 năm 2015 – 2020 trên 1.393 ha gỗ keo, được Công ty Scansia Pacific tiêu thụ để chế biến sản phẩm gỗ cung cấp cho Tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới IKEA, nhờ đó được hưởng giá bán cao hơn thị trường khoảng 15 – 20%. Một số mô hình tương tự đã được phát triển ở Yên Bái. Tuy nhiên, các mô hình liên kết này phát triển chậm so với nhu cầu, một phần do chi phí để được cấp chứng chỉ khá lớn, mặt khác, doanh nghiệp chỉ mua gỗ đạt tiêu chuẩn, người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ phần gỗ không đạt tiêu chuẩn và phụ phẩm (cành, dăm…) với mức giá thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, sự liên kết để tạo nguồn gỗ ổn định và có chứng chỉ là xu thế tất yếu của ngành gỗ Việt Nam trong tương lai. Các chính sách gần đây đã theo hướng tạo điều kiện tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của ngành gỗ, giảm chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững và gỗ hợp pháp, tăng năng suất và chất lượng rừng. 
Về mô hình liên kết giữa công ty và các hộ góp đất trồng cao su ở một số tỉnh Tây Bắc, theo báo cáo của Tổ chức Forest Trends nghiên cứu tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La trong năm 2016, giá cao su giảm mạnh đã làm các công ty cắt giảm chi phí sản xuất, giảm ngày công lao động, do đó, làm giảm thu nhập của các hộ làm công nhân. Ngoài ra, lợi nhuận của cây cao su thấp hơn so với nhiều cây trồng khác như ngô, sắn, đậu tương, keo và một số loại cây ăn quả.
Ông Võ Nhật Duy – Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La cho biết, trong bối cảnh giá cao su sụt giảm do dư cung trên toàn cầu, và trong giai đoạn cây cao su chưa đủ tuổi để thu hoạch mủ, Công ty đã cắt giảm chi phí để thích nghi với thị trường. Nhằm hỗ trợ các hộ dân góp đất trồng cao su có nguồn thu nhập bổ sung, Công ty đã hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi và trồng xen. Năm 2016, năng suất của năm đầu tiên thu hoạch mủ chưa cao, nhưng sẽ tăng dần trong các năm sau. Do vậy, để đánh giá hiệu quả của cây cao su, cần tính toán trong toàn chu kỳ khoảng 30 năm.
Bà Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban Tư vấn Phát triển ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam, đề nghị cần nghiên cứu về khả năng giảm rủi ro của mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ dân góp đất trồng cao su qua những giải pháp ứng phó khi giá thấp để đánh giá khả năng bền vững của mô hình. Bà cũng thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và liên tục mô hình này trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, để có cơ sở đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát huy những ưu thế của mô hình.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận đồng thuận đánh giá cao tiềm năng của mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ góp đất trồng cao su, nhưng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước và tham gia của các bên liên quan để tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro trong liên kết này và tạo điều kiện tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.
Hiệp hội Cao su Việt Nam – Ban Tư vấn PTNCS (Hoa Trần)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>