Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, hiệu quả

25/05/2020

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid –19 đến tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD), các đơn vị Tây Nguyên đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ứng phó kịp thời, an toàn trước tác động của dịch bệnh nhằm ổn định tình hình hoạt động, đảm bảo hoạt động SXKD được liên tục, hiệu quả.


Xây dựng phương án sản xuất phù hợp

Ông Phạm Duy Muôn – Tổng Giám đốc (TGĐ) Cao su Chư Sê cho biết: “Lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế trong khai thác mủ, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB), chuẩn bị tái canh trồng mới, đầu tư khu công nghiệp (KCN), ổn định hoạt động 2 đơn vị mầm non và y tế. Xây dựng kịch bản giá thành, giá bán, doanh thu, lợi nhuận nếu dịch kết thúc sau 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng để có chỉ đạo điều hành phù hợp theo tinh thần tiếp tục tiết giảm các khoản mục chi phí, các công trình đầu tư, sửa chữa chưa thực sự cấp bách.
Tổ chức điều hành và giải quyết công việc qua ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị trên các nền tảng ứng dụng của ngân hàng, cơ quan quản lý bằng chữ ký số, ứng dụng số… giúp giảm thời gian đi lại, chi phí quản lý, tăng hiệu quả và năng suất làm việc”.
Còn tại Cao su Chư Prông, ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Công ty cho hay: “Công ty mở cạo vụ mùa khai thác năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn, trong đó các đơn vị khẩn trương thực hiện một số công việc như: Định mức lao động, phân chia vườn cây, tiến hành thiết kế, trang bị vật tư cây cạo để tiến hành khai thác mủ khi có sự chỉ đạo của Tập đoàn, có kế hoạch tính toán đến phương án tiếp tục sản xuất trong điều kiện cách ly.
Chúng tôi cho rằng, công nhân (CN) khi ra lô thực hiện việc cạo mủ, phần cây của người nào người đó làm và không tiếp xúc trực tiếp với người khác thì đó lại là môi trường cách ly tốt nhất. Vấn đề còn lại là công tác giao nhận mủ thực hiện thế nào để không có tiếp xúc từ 2 người trở lên thì Công ty đang nghiên cứu phương án.
Đối với lao động gián tiếp thì Công ty đã có phương án hạn chế từ 2 người trở lên làm việc trong phòng cùng lúc, có thể chia phiên làm việc, cho làm việc tại nhà, tăng cường xuống cơ sở kiểm tra vườn cây và việc thực hiện kế hoạch sản xuất, quy trình kỹ thuật, bảo vệ sản phẩm”.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Luyến – TGĐ Cao su Chư Păh cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo công việc trực tuyến là chính, các phòng ban làm việc với 1/3 quân số và tất cả người lao động phải đeo khẩu trang dù là CN trực tiếp cạo mủ ngoài lô, nếu không thực hiện sẽ trừ vào kết quả thi đua cuối năm”.
Nhìn chung, ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo VRG, lãnh đạo các đơn vị Tây Nguyên đều lên kế hoạch, tổ chức sản xuất theo kịch bản trong lúc dịch bệnh, đây là nỗ lực để vượt qua khó khăn hoàn thành kế hoạch VRG đã giao.
Không giảm lương lao động gián tiếp
Hầu hết lãnh đạo các công ty Tây Nguyên đều khẳng định sẽ không giảm lương đối với lao động gián tiếp, nếu có sẽ dùng số tiền giảm trừ cho việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Đối với lao động trực tiếp, ngoài việc giữ nguyên đơn giá tiền lương thì các công ty đều có sự hỗ trợ đối với CN KTCB, CN chế biến mủ bằng hình thức hỗ trợ một tháng lương…
Cũng theo ông Phạm Duy Muôn – TGĐ Cao su Chư Sê: “Để người lao động an tâm sản xuất và gắn bó với đơn vị trước mắt cũng như lâu dài, trong thời gian này Công ty vẫn duy trì phương án trả lương cho người lao động như đã xây dựng, không giảm tiền lương đối với lao động gián tiếp (trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 15/4/2020) và đơn giá nhân công, đơn giá mủ đối với lao động trực tiếp. Theo phương án đã xây dựng thì tiền lương bình quân của người lao động năm 2020 cao hơn năm 2019”.
Ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông cho rằng: “Thu nhập là mối quan tâm không chỉ của người lao động mà còn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Công ty, nhất là trong điều kiện thiếu hụt lao động như hiện nay. Năm 2020 Công ty vẫn thực hiện phương án trả lương cao hơn hoặc ngang bằng với mức thu nhập của năm 2019, trong tình huống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà giá bán thấp hơn kế hoạch thì phải tiết giảm một số chi phí sản xuất nhưng tiền lương là yếu tố chi phí bị giảm sau cùng. Tiết kiệm chi phí trong tất cả các công đoạn từ đầu tư XDCB đến chăm sóc, khai thác, chế biến, bán hàng. Các khoản không cần thiết được tiết giảm, nâng đơn giá ngày công và đơn giá mủ để tăng thu nhập cho người lao động trực tiếp”.
 
Công nhân làm việc trong nhà máy chế biến
Tích cực tìm kiếm khách hàng và thị trường mới
Tình hình tiêu thụ cao su giai đoạn hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn, sản lượng cao su đã ký hợp đồng với khách hàng trong tháng 1 và 2 ít nhiều bị ảnh hưởng trong việc giao hàng. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, giá bán cao su tiếp tục giảm sâu, khách hàng xin giãn thời gian nhận hàng, nhiều khách hàng bỏ đơn hàng…dẫn đến nguồn thu của các công ty bị giảm sút, trong khi các chi phí vẫn phát sinh phải thanh toán kịp thời như các khoản trả gốc và lãi vay ngân hàng, chi trả tiền lương và các chế độ với người lao động, các khoản nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khả Liễm – TGĐ Cao su Kon Tum chia sẻ: “Hiện nay, chất lượng sản phẩm của các đơn vị Tây Nguyên là yếu tố quan trọng để khách hàng tìm đến. Tuy vậy, trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì việc duy trì được khách hàng truyền thống, tìm kiếm và mở rộng được thị trường mới là rất quan trọng”.
Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới các công ty cao su Tây Nguyên đã đề ra một số giải pháp như: Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường cao su thế giới, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để quyết định sản xuất chủng loại sản phẩm nào hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Duy trì khách hàng truyền thống, xây dựng website quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm, đăng ký tham gia sàn giao dịch điện tử để giới thiệu sản phẩm mủ cao su nhằm mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và thị trường mới, các đơn vị Tây Nguyên đã có sự chủ động về kho bãi để ứng phó trong điều kiện khó tiêu thụ. Nhiều đơn vị đã chuẩn bị một lượng lớn pallet để đóng thùng trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, nhiều kho của các nông trường, xí nghiệp cũng dự kiến làm kho chứa mủ thành phẩm của các đơn vị.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>