Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đắk Nông: Hàng trăm hecta cao su chậm khai thác do nhiễm bệnh phấn trắng

01/06/2017

 Mặc dù năm nay thị trường cao su có dấu hiệu khá khởi sắc so với năm trước nhưng do phần lớn diện tích cao su của bà con tại tỉnh Đắk Nông bị bệnh phấn trắng tấn công nên việc cạo mủ đã bị chậm lại, làm ảnh hưởng đến sản lượng mủ, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng cao su.


 Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Nông), do thời tiết diễn biến thất thường nên bệnh phấn trắng có điều kiện phát sinh trên cây cao su. Mặc dù các đơn vị chuyên môn và nông dân đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng trừ nhưng bệnh hại vẫn xảy ra làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của vườn cây.

Vườn cao su 9 năm tuổi của ông Đào Xuân Thuấn ở thôn 5, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) chưa thể khai thác do vườn cây bị bệnh phấn trắng
Gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) có 5 ha cao su. Đến thời điểm này, như mọi năm, gia đình bà đã tiến hành khai thác mủ được hơn 2 tháng. Thế nhưng năm nay, việc cạo mủ phải dừng lại do vườn cây bị nhiễm bệnh phấn trắng khiến cao su liên tục rụng lá non.
Bà Minh cho biết: “Năm nay do thời tiết thất thường, bệnh phát sinh sớm nên nhiều nhà trồng cao su trở tay không kịp”.
Ông Lê Văn Tiến ở thôn 9, xã Đắk Sin có gần 3 ha cao su đang thời kỳ kinh doanh, nhưng cách đây hơn 3 tháng đã phát hiện có dấu hiệu của bệnh phấn trắng. Tình trạng bệnh này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch khai thác mủ của gia đình.
Qua tìm hiểu, năm nay, toàn tỉnh có hàng trăm hecta cao su bị bệnh phấn trắng, tập trung nhiều ở các huyện như: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô… Bệnh phấn trắng thường xuất hiện trong mùa thay lá, khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
Bệnh phấn trắng phát triển mạnh vào thời điểm cây cao su vừa rụng lá xong. Bệnh không làm chết cây và khi thời tiết chuyển sang mùa mưa thì bệnh sẽ tự chấm dứt nên bà con nông dân còn chủ quan, xem nhẹ và chưa có cách phòng, chữa hiệu quả.
Trao đổi về bệnh này, bà Hoàng Ngọc Duyên – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật – cho rằng, bệnh phấn trắng trên cây cao su xuất hiện thường niên. Bệnh do nấm OidiumHeveae Steim gây ra. Nếu không xử lý kỹ, nấm tồn tại từ vụ này qua vụ khác, trên cây thực sinh hay vườn nhân giống. Đối với những vườn cây kiến thiết cơ bản (1 – 5 năm tuổi), nấm thường gây hại trên chồi non và làm chết chồi. Ở những vườn cây đã cho khai thác, nấm thường xuất hiện trong mùa thay lá, làm rụng lá non và hoa, giảm thời gian thu hoạch, dẫn đến giảm năng suất vườn cây. Các nhà vườn phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh. Khi cao su nhiễm bệnh hoặc chưa nhiễm bệnh, bà con nên căn cứ vào lớp lá mới để quyết định xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp lên cây.
Tuy nhiên, hiện nay, do các hộ trồng cao su với diện tích nhỏ lẻ, việc đầu tư phương tiện xử lý bệnh, máy phun thuốc chuyên dụng rất khó khăn, cây cao su lại khá cao, vòi phun máy thủ công không thể vươn tới những điểm lá bị bệnh... trong khi bệnh dịch ngày càng khó phòng trừ và lây lan trên diện rộng. Do đó, các cấp, ngành chuyên môn và nông dân cần khai thác triệt để điều kiện sẵn có để phòng trừ bệnh nhằm hạn chế và cắt đứt nguồn lây lan bệnh. Có như vậy, cây cao su mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh, Văn Tâm, trích nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/hang-tram-ha-cao-su-cham-khai-thac-do-nhiem-benh-phan-trang-53936.html, ngày 31/5/2017 (CN trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>