Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đại gia Việt chi hơn 4 tỷ USD trồng cao su, nuôi bò… tại Lào, Campuchia

21/02/2017

 Một nửa trong số vốn mà các doanh nghiệp Việt đầu tư sang Lào, Campuchia là trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu trồng cao su, mía đường, nuôi bò…


 Nhớ lại giai đoạn các đại gia Việt ồ ạt đầu tư sang Lào, Campuchia cách đây 10 năm, ông Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam kể, cách đây 10 năm khi giá cao su đang ở “đỉnh cao” thì “cứ doanh nghiệp Việt nào sang Lào xin là được cấp đất”. Nhưng sau 10 năm việc đầu tư đã không dễ dàng như trước. Đã có những doanh nghiệp Việt phải ngậm ngùi, gánh thua lỗ "đậm" vì rót vốn ồ ạt, song thiếu tính toán, đánh giá về tính khả thi của thị trường...

Dù thế, nếu nhìn từ số liệu thống kê thì đây vẫn là những thị trường đầu tư rất tiềm năng với các doanh nghiệp Việt. Dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), ông Đoàn Thanh Nghị đại diện cơ quan này cho biết, đến hết tháng 6/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài gần 1.200 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 21,4 tỷ USD. Trong đó, Lào là thị trường được các đại gia Việt lựa chọn rót vốn đầu tư nhiều nhất, với 5,12 tỷ USD, kế đến Campuchia 2,89 tỷ USD và một số quốc gia khác như Myanmar, Mỹ, Nga, châu Phi…
Dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đổ vốn lớn đầu tư vào nông nghiệp tại Lào, Campuchia
Nông lâm thủy sản là lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 2 về số vốn sau khai khoáng. “Điều này thể hiện rõ nhất qua quy mô và cơ cấu vốn đổ vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lào, Campuchia”, ông Nghị nói.
Vị đại diện Cục Đầu tư nước ngoài dẫn chứng, trong tổng số 5,12 tỷ USD đầu tư tại Lào thì hơn 2,2 tỷ USD (tương đương 43%) được doanh nghiệp rót vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện… Tương tự, tỷ lệ vốn rót vào nông nghiệp của đại gia Việt tại Campuchia lên tới 67%, khoảng 1,9 tỷ USD.
Khác với việc đầu tư trong nước, ông Tú cho rằng, khi xác định đầu tư ra nước ngoài doanh nghiệp Việt cũng phải chấp nhận những trở ngại, xung đột dù được hưởng chính sách ưu đãi của nước sở tại hay không. Đại diện Oxfam dẫn chứng, tại Lào, chính sách đất đai giữa địa phương với cơ quan Trung ương không thống nhất, dẫn đến vai trò của người đứng đầu địa phương (nhất là trưởng bản, làng) có tiếng nói rất lớn.
“Họ có thể quyết định cho doanh nghiệp thuê đất hay không. Nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt ký hợp tác với chính quyền Trung ương, nhưng ở địa phương các vị trưởng làng đã phân đất cho người khác…”, ông Tú nêu thực tế và nhận xét, điều này khiến không ít doanh nghiệp Việt gặp khó do đã bỏ tiền giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra quy định về lao động tại các nước này cũng rất khắt khe. Như các doanh nghiệp Việt đầu tư vào Lào, chính quyền địa phương yêu cầu công ty phải tuyển 90% lao động địa phương. Tuy nhiên, nhiều công ty được khảo sát cho rằng họ không thể tuyển được số này do mật độ dân cư thưa, chất lượng lao động còn thấp.
Còn tại Campuchia, chỉ 3% số người dân địa phương muốn làm cho các công ty nông, lâm nghiệp. Theo lý giải thì mức lương lao động ngành nông nghiệp hiện ở mức thấp so với các ngành nghề khác tại nước này nên nhiều doanh nghiệp Việt khá lúng túng để tuyển được lao động.
Ở góc độ tham vấn cho cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ tại Hội nghị về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước tiểu vùng sông Mê Kông mới đây, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, để đầu tư có hiệu quả thì doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ pháp luật không chỉ của Việt Nam mà cả của nước sở tại. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt về nguồn thông tin, phòng ngừa những tranh chấp, liên kết với nhau... trước khi đầu tư ra nước ngoài.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>