Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cục Phòng vệ thương mại làm việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm lốp xe sang Hoa Kỳ

15/06/2020

Trong bối cảnh Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng về kinh tế với việc gia nhập WTO và 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó bao gồm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP) và gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), việc thực hiện các cam kết thương mại góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước ta nhưng đồng thời tạo ra thách thức cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam khi tuân thủ các quy định của WTO cũng như nội luật của quốc gia nhập khẩu. Việc hiểu rõ các quy định về thương mại của quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là các quy định về phòng vệ thương mại (PVTM) được áp dụng ở mỗi quốc gia đang ngày càng trở nên quan trọng, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó nhanh với các vụ kiện tranh chấp thương mại ở nước ngoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà xuất khẩu của Việt Nam trước sự bảo hộ ngành sản xuất trong nước hoặc trong các vụ kiện giải quyết tranh chấp tại WTO.

Trong thời gian qua, các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM. Tính đến tháng 5/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 174 vụ việc PVTM do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD), 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CVD), 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh (AC) và 34 vụ việc tự vệ (SG). Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 12 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, đồng thời tiếp nhận xử lý 3 vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra trong thời gian tới. Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 34 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ việc, Canada và Australia với lần lượt 15 và 11 vụ việc.
Nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về phòng vệ thương mại cũng như trao đổi các biện pháp ứng phó đặc biệt trong bối cảnh Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe có xuất xứ từ Việt Nam, ngày 05/6/2020, Cục Phòng vệ thương mại đã có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lốp xe lớn sang Hoa Kỳ như: Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam, Công ty TNHH Sailun Việt Nam, Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC).
Tại buổi họp, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đã có những chia sẻ về một số khía cạnh pháp lý về các vụ việc phòng vệ thương mại theo các quy định của WTO nói chung và vụ việc lốp của Hoa Kỳ nói riêng. Bên cạnh đó, Cục PVTM cũng kinh nghiệm trong quá trình xử lý thực tế các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước đây. Ngoài ra, Cục PVTM cũng nhấn mạnh việc tích cực phối hợp, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với Cục PVTM là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quyết định đến kết quả vụ việc.
Cũng trong buổi họp, Cục PVTM đã giới thiệu các quy định pháp luật PVTM của Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp nắm được nội dung và điều kiện áp dụng của các biện pháp này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đặc biệt, trong trường hợp ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại do tác động của hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để có những động thái hỗ trợ và bảo vệ lợi ích hợp pháp.
Về phía Hiệp hội, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VRA cho biết, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam đạt 1 tỷ 200 triệu USD. Năm 2019, Việt Nam có 186 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lốp xe.
Sản phẩm lốp xe của Việt Nam được xuất khẩu tới 153 thị trường. Các thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, (đạt 604 triệu USD, chiếm 50,4%), Brazil (40,6 triệu USD chiếm 3,4%), Nhật Bản (36 triệu USD, chiếm 3,1%), Malaysia (36 triệu, chiếm 3,1%), tiếp theo đó là Đức, Ấn Độ, Hà Lan….
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng tốt trong nhiều năm nhưng ông An cũng cho biết kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm lốp xe vào Việt Nam cũng tăng trung bình 10%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Các nhà sản xuất lốp xe lớn cho rằng sản phẩm lốp xe Việt Nam chưa có chỗ đứng tại thị trường nội địa do sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm từ Thái Lan, đặc biệt về giá.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kháng kiện đạt hiệu quả cao nhất, Cục PVTM khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam
Trên cơ sở kết quả buổi họp, Cục Phòng vệ thương mại đã khuyến nghị Hiệp hội Cao su và các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm lốp xe một số nội dung sau:
+) Chủ động nắm bắt tình hình, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm lốp ô tô sang Hoa Kỳ;
+) Thường xuyên liên lạc với Cục PVTM để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra.
Các doanh nghiệp tham gia buổi họp đánh giá cao sự hợp tác tích cực của Cục PVTM, Hiệp hội Cao su Việt Nam và bày tỏ quan tâm sâu sắc về vụ việc và sẵn sàng tham gia xử lý vụ việc cũng như phối hợp với Cục PVTM trong suốt quá trình ứng phó nếu Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra vụ việc với một số sản phẩm lốp xe ô tô.
Thông tin chi tiết về vụ việc xin liên hệ: Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương; địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 024 73037898 (máy lẻ 111), email: dungnd@moit.gov.vn.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>