Tin tức >> Tin cao su trong nước

Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa: Hiệu quả từ đa dạng hóa nguồn thu

22/04/2019

Năm 2018, tuy tình hình giá mủ cao su trên thị trường diễn biến không khả quan nhưng Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) vẫn tiếp tục có một năm sản xuất, kinh doanh thành công. Điều đáng nói, trong năm qua Công ty đạt lợi nhuận cao kỷ lục, đến 628,3 tỷ đồng, tăng 93% so với năm 2017, nhưng lại không chủ yếu đến từ… mủ cao su. 


 Thu 425 tỷ đồng từ thanh lý vườn cây

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), thị trường cao su thế giới năm 2018 nhìn chung có nhiều bất lợi, điển hình là giá cao su có chiều hướng giảm trong bối cảnh chịu áp lực từ lượng tồn kho cao su lớn ở các nước trong khu vực, cùng với đó là diễn biến thời tiết thất thường... Trong điều kiện đó, năm qua PHR còn có gần 500 lao động nghỉ việc, làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của Công ty. Tuy nhiên, PHR vẫn hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra và đạt mức lợi nhuận kỷ lục nhờ có những giải pháp phù hợp.
Năm 2018, Công ty khai thác được 13.109,58 tấn mủ và thu mua 19.884,57 tấn mủ quy khô. Đây là năm thứ 8 Công ty có sản lượng thu mua trên 10.000 tấn mủ, năm thứ 2 thu mua trên 15.000 tấn mủ; sản lượng chế biến đạt 31.435,63 tấn mủ thành phẩm các loại. Năm qua, PHR tiêu thụ được 31.453,07 tấn mủ thành phẩm các loại; doanh thu thuần đạt 1.558 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2017, song nhờ khoản thu từ thanh lý cây cao su tăng hơn 2 lần, lên 425 tỷ đồng đã đưa lợi nhuận trước thuế cả năm đạt gần 760 tỷ đồng, vượt đến 90% chỉ tiêu năm.
Như vậy, nhờ đẩy mạnh thanh lý cây cao su, năm 2018 PHR báo lãi 637 tỷ đồng sau thuế, gần 1.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Công ty đã chăm lo tốt đời sống người lao động với thu nhập bình quân 8,6 triệu đồng/người/tháng, đồng thời nộp ngân sách Nhà nước 202,42 tỷ đồng.
Trong năm qua, Công ty đã thanh lý 1.300 ha cao su. Hiện giá thanh lý gỗ cao su bình ổn ở mức 300 triệu đồng/ha. Năm nay, Công ty sẽ thanh lý hơn 1.000 ha, với giá nói trên sẽ giúp Công ty có doanh thu khoảng 390 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 351 tỷ đồng bởi biên độ lợi nhuận gỗ thanh lý là khoảng 90%.
PHR hiện vẫn còn khoảng hơn 4.000 ha gỗ già. Công ty sẽ tiếp tục thanh lý trung bình mỗi năm 1.000 ha cho đến năm 2022, giúp bảo đảm khoản thu nhập này trong ít nhất 2 – 3 năm tới.
Tiếp tục nỗ lực vượt khó
PHR hiện sở hữu 32,85% cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), tương đương 5,26 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch, trong năm 2019 Công ty sẽ thoái hết vốn ở khu công nghiệp này và hiện đang chờ văn bản của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Nhờ đó, Công ty ghi nhận lợi nhuận tài chính khoảng 567 tỷ đồng với giá cổ phiếu NTC ngày 11/4/2019 (114.700 đồng/cổ phiếu).
Năm nay, tình hình thời tiết được dự báo không thuận lợi đối với cây cao su, cùng với đó giá cao su thiên nhiên sẽ vẫn ở mức thấp sau khi giảm 20% trong năm 2018; thị trường cao su thiên nhiên biến động theo xu hướng chung của sản phẩm hàng hóa sản xuất từ cao su. Tuy nhiên, căn cứ vào mức lợi nhuận khá tốt năm 2018, đặc biệt là nguồn thu rất lớn từ việc thanh lý vườn cây, thoái vốn khỏi NTC cũng như nhận tiền đền bù đất của NTC III lẫn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (KCN VSIP) III, Hội đồng quản trị PHR đã mạnh dạn đặt mục tiêu trong năm nay đạt sản lượng cao su sản xuất khoảng 11.700 tấn, sản lượng cao su thu mua khoảng 12.500 tấn, sản lượng cao su tiêu thụ 27.268 tấn.
Nếu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra nói trên, cộng với các khoản thu lớn từ thoái vốn, đền bù đất và thanh lý vườn cây già cỗi, PHR sẽ có mức tổng doanh thu khoảng 2.192 tỷ đồng và đạt mức lợi nhuận trước thuế lên đến 1.246 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận rất cao nhưng hoàn toàn khả thi đối với PHR.
Ông Lê Phi Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PHR, cho biết để đạt được các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2019 Công ty đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, Công ty tiếp tục chủ động đàm phán với các khách hàng truyền thống để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn, đồng thời linh hoạt bán chuyến tùy vào diễn biến thị trường; cân đối tiêu thụ giữa khách hàng trong và ngoài nước nhằm đạt được giá bán tốt nhất. Bên cạnh đó, Công ty bảo đảm giao hàng đúng hạn, thực hiện đúng cam kết với khách hàng nhằm giữ vững uy tín và nâng cao thương hiệu Công ty với khách hàng.
Công ty tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, bố trí cán bộ và công nhân các đội sản xuất phù hợp với từng loại vườn cây hiện có để bảo đảm quản lý tốt vườn cây. Đồng thời, Công ty cũng nghiên cứu các biện pháp thâm canh nâng cao chất lượng vườn cây và tăng năng suất; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật khai thác, tận thu mủ để đạt sản lượng tốt nhất...
Theo kế hoạch, PHR sẽ bàn giao đất cho NTC và KCN VSIP trong năm nay với giá đền bù dự kiến 1,3 tỷ đồng/ha (tăng 30% so với giá dự kiến năm 2018). Cụ thể, dự kiến năm 2019, PHR sẽ bàn giao 150 ha đất cho NTC (55 ha), KCN VSIP (95 ha). Như vậy, PHR sẽ có ngay khoảng 190 – 200 tỷ đồng từ việc đền bù đất.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>