Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cộng đồng kinh tế ASEAN – kỳ vọng và áp lực

26/02/2018

 2017 là năm đánh dấu mốc quan trọng cho chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được thế giới công nhận như một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất. 


 Điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành với 3 trụ cột quan trọng: Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hoá – Xã hội.

Liên kết nội khối ngày càng chặt chẽ
Khi được tuyên bố hình thành vào ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được định hướng và kỳ vọng sẽ tạo dựng một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu và một thị trường duy nhất, một cơ sở sản xuất thống nhất trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.
Đồng thời, AEC đã xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, đó là: Hàng nông sản, ô tô, điện tử, nghề cá, các sản phẩm từ cao su, dệt may, các sản phẩm từ gỗ, vận tải hàng không, thương mại điện tử ASEAN, chăm sóc sức khỏe, du lịch và logistics...
ASEAN cũng đã xây dựng các Kế hoạch hành động chiến lược phát triển DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ cho từng giai đoạn; triển khai công tác thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) với việc các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN thống nhất và phát triển đồng đều.
Hiện đã có 2 Kế hoạch công tác IAI được triển khai với tổng số 615 dự án trị giá 103,1 triệu USD và Kế hoạch công tác giai đoạn III cũng đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29.
Để thực hiện mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động của DN vừa và nhỏ, năm 2017 ASEAN đã và đang tiếp tục thúc đẩy cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn khu vực ASEAN, phát triển thương mại điện tử, nhân rộng và tạo thuận lợi cho mô hình kinh doanh với người có thu nhập thấp, xây dựng chỉ số thuận lợi hóa thương mại ASEAN.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị liên quan diễn ra trong năm 2017, ASEAN đã tập trung vào việc thảo luận, khẳng định và rà soát tổng thể lộ trình thực hiện các cam kết và ưu tiên xây dựng AEC năm 2017; định hướng đàm phán Hiệp định RCEP...
Chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào ngày 28/7/1995, Việt Nam đã và đang tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, luôn nằm trong nhóm nước tích cực thực hiện Kế hoạch tổng thể hình thành AEC, với tỷ lệ thực thi các biện pháp ưu tiên của Việt Nam là 95,5%, đứng thứ 2 sau Singapore.
Là nước điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại hai bên, thúc đẩy khả năng tái khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU. Việt Nam cũng được các quốc gia ghi nhận trong vai trò chủ tọa một số Nhóm Công tác trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối.
Thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AEC được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nhờ cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch, cắt giảm thuế quan, loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ; áp dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế, tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, được kỳ vọng giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, hoàn thiện thể chế kinh tế và chính sách thương mại quốc tế, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nền hành chính điện tử nhờ Hiệp định khung e-ASEAN đã được ký kết từ tháng 11/2000, thúc đẩy xây dựng năng lực để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số với các nước thành viên ASEAN.
Sự tự do di chuyển lao động có tay nghề của ASEAN và Việt Nam qua biên giới các nước thành viên, nhất là trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch (hiện tại lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á – Thái Bình Dương) cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tiếp cận khu vực thị trường lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân, tổng GDP 2.300 tỷ USD và cả thị trường của một số nước khác có các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ của ASEAN, như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Cơ hội và thách thức đan xen
Sau hơn 20 năm Việt Nam trở thành viên của ASEAN, hiện ASEAN là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN; Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam – ASEAN đã tăng gấp 7 lần, từ khoảng 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 41,49 tỷ USD năm 2016, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của cả nước.
Riêng trong 11 tháng năm 2017, ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 4, thị trường nhập khẩu, cũng như nhập siêu lớn thứ 3 của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 42,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 5,6 tỷ USD (so với con số tương ứng giữa Việt Nam – Hoa Kỳ là 46,5 tỷ USD và xuất siêu 29,7 tỷ USD; Việt Nam – Nhật Bản là 29,9 tỷ USD và xuất siêu 0,5 tỷ USD; Việt Nam – Trung Quốc là 82,4 tỷ USD và nhập siêu 21,8 tỷ USD; Việt Nam – Hàn Quốc là 56 tỷ USD và nhập siêu 28,8 tỷ USD).
Thực tế gia tăng nhập siêu từ ASEAN cho thấy, việc hạ thấp hàng rào thuế quan còn 5 – 0% từ 2015 – 2018 vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với Việt Nam, bởi cơ cấu kinh tế Việt Nam và các thành viên AEC khá tương đồng, trong khi năng lực cạnh tranh về công nghệ và chất lượng sản phẩm lại có phần thấp hơn.
Sự mở cửa thị trường cũng đang và sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên sân nhà đối với hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chính phủ.
Viễn cảnh hàng hóa của các nước trong khối ASEAN tràn ngập thị trường Việt Nam mang lại cơ hội mua hàng giá rẻ cho người tiêu dùng, giúp kiềm chế tăng giá ngoại nhập, nhưng cũng là thách thức không dễ chịu của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt có sức cạnh tranh thấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng trong các rào cản kỹ thuật bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Những cơ hội và thách thức khác từ AEC đang và sẽ tiếp tục mở ra từ các hoạt động hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách dành lợi thế trong tiếp cận thông tin, tài chính, kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ. AEC đang ngày càng đóng vai trò chủ động tham gia cùng các đối tác FTA bên ngoài trong việc đổi mới kiến trúc khu vực; phát triển thị trường vốn, tự do hóa tài khoản vốn và tự do hóa dịch vụ tài chính; duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính thông qua việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để phù hợp với mức độ phát triển của từng nước và tùy theo tình hình cụ thể mà từng nền kinh tế phải đối mặt; hài hòa hóa và công nhận lẫn nhau đối với các quy định về thị trường vốn; tăng cầu nội địa, cải cách cơ cấu, khuyến khích đầu tư tư nhân, ngăn ngừa hành vi độc quyền không lành mạnh; phát triển các kết nối giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng và các kết nối xuyên biên giới khác; xây dựng cơ chế trừng phạt hay các thiết chế khu vực quyền lực để xử lý các trường hợp không hợp tác hay không tuân thủ của các nước thành viên.
Hiện thực hóa AEC là một quá trình dài hạn. Không thụ động trước cơ hội và tự ti, phó mặc trước mọi thách thức mà AEC đặt ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần hành động một cách chủ động và tích cực, mang tính phối hợp và liên kết nhiều hơn; tập trung vào các ngành sản xuất mũi nhọn như giày dép, dệt may, điện tử, phần mềm và chế biến thực phẩm, hải sản... để một mặt giữ vững thị trường trong nước, mặt khác nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành công xưởng hoặc tham gia chuỗi cung ứng giá trị, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong và ngoài AEC...
Minh Phong - Minh Trí, nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/cong-dong-kinh-te-asean-ky-vong-va-ap-luc-590539.ldo, ngày 19/02/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>