Tin tức >> Tin cao su trong nước

Chứng chỉ nguyên liệu gỗ – Bài 1: Chủ động nguyên liệu hợp pháp

22/10/2018

 Để có thể phát triển bền vững, giữ vững lòng tin người tiêu dùng, chính doanh nghiệp phải biết chủ động nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu hợp pháp để phục vụ sản xuất, xuất khẩu.


 Yêu cầu về tiêu chuẩn đồ gỗ của người tiêu dùng thế giới ngày càng khắt khe. Bởi đây là giải pháp để chính người sản xuất và người tiêu dùng đồ gỗ thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Do đó, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến cũng đòi hỏi cấp chứng chỉ rừng trồng, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch và chất lượng đảm bảo.
Xưởng chế biến gỗ lớn tại Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Khi nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngày càng tăng, hoạt động sản xuất, chế biến cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, giữ vững lòng tin người tiêu dùng, chính doanh nghiệp phải biết chủ động nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu hợp pháp để phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
*Liên kết bền vững với vùng nguyên liệu
Với yêu cầu thị trường khó tính, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến và xuất khẩu phải được cấp chứng chỉ gỗ có nguồn gốc hợp pháp.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đã chủ động thực hiện mô hình liên kết với người trồng rừng tràm, keo, cao su, sản xuất gỗ nguyên liệu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu tại các tỉnh Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Kiên Giang…
Thông qua những mô hình này, gỗ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu được cấp chứng chỉ sẽ được thu mua cao hơn những vùng nguyên liệu chưa được cấp chứng chỉ truy xuất nguồn gốc từ 15 – 20%.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Scansia Pacific (Đồng Nai) chia sẻ, cách đây 2 năm, các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ bắt đầu có yêu cầu khắt khe trong tiêu chuẩn đồ gỗ nhập khẩu.
Hầu hết các thị trường này đòi hỏi nguồn nguyên liệu phải được truy xuất nguồn gốc, gỗ rừng trồng phải có chứng chỉ (FSC) mới được nhập khẩu vào đây.
Để đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu, Scansia Pacific đã chủ động liên kết với hơn 600 hộ trồng rừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hỗ trợ sản xuất hơn 3.000 ha rừng keo để được cấp chứng chỉ FSC.
Từ đó đến nay, mối liên kết này vẫn được giữ vững. Doanh nghiệp vừa có nguyên liệu hợp pháp phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, người trồng rừng vừa tăng thêm thu nhập, lợi nhuận thu được từ trồng rừng là 25 triệu đồng/ha/năm.
Trong thời gian tới, Scansia Pacific sẽ tiếp tục mở rộng mối liên kết này để nâng diện tích rừng keo được cấp chứng chỉ FSC lên 5.000 ha.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Hoàng Thông (Bình Dương), Công ty TNHH Kiến Phúc (Bình Dương) cũng đã tự chủ liên kết với các hộ trồng rừng tràm khu vực tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, hỗ trợ người trồng rừng có được chứng chỉ FSC, phục vụ lâu dài cho hoạt động chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tính đến tháng 12/2017, cả nước hiện có hơn 700 doanh nghiệp có chứng nhận liên kết chuỗi với người trồng rừng đạt chứng chỉ FSC; trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững trên diện tích hơn 220.000 ha.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thị trường khó tính đang đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ bắt buộc phải chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải hợp tác với người dân trồng rừng để có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với yêu cầu của các thị trường.
*Lợi thế từ các hiệp định thương mại
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, muốn ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vươn xa hơn nữa, chính nội tại toàn ngành phải chuẩn bị tiềm lực về mọi mặt để chạy đua với tiêu dùng thế giới. Song song với việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, các hoạt động liên kết cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Bao gồm liên kết doanh nghiệp, người trồng rừng trong nước và mối liên kết đa phương thương mại giữa các quốc gia với nhau, đặc biệt là liên kết với các thị trường khó tính.
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10/2018, Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ diễn ra hoạt động ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện với châu Âu VPA-FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản).
Song song đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về thương mại lâm sản với một số thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn Độ, đàm phán về công nhận các quy định gỗ hợp pháp để mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Trước đó, vào tháng 5/2017, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã thực hiện ký tắt Hiệp định VPA nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đồ gỗ Việt Nam vào thị trường này.
Như vậy, sau thời gian dài 6 năm đàm phán cho việc giao thương đồ gỗ Việt Nam, Hiệp định VPA/FLEGT sắp được ký kết sẽ tạo niềm tin cho các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia. Hiệp định sẽ mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do tiết kiệm được chi phí, thời gian.
Ngược lại, đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thêm nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp nhập khẩu từ các thị trường này, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, làm phong phú, đa dạng chủng loại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng năm 2018, cả nước xuất khẩu 6,3 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ; trong đó, sản phẩm gỗ đạt hơn 4,4 tỷ USD. Riêng nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, ngành gỗ nhập khẩu 1,6 tỷ USD các loại.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhập khẩu nguyên liệu gỗ cũng nhằm đa dạng chủng loại nguyên liệu, vừa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ vững thị trường nội địa, vừa đáp ứng các đơn hàng từ nước ngoài.
Hồng Nhung/TTXVN, nguồn: https://bnews.vn/chung-chi-nguyen-lieu-go-bai-1-chu-dong-nguyen-lieu-hop-phap/98812.html, ngày 16/10/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>