Tin tức >> Tin cao su trong nước

Chế biến gỗ phôi, gỗ ghép và tinh chế: Khó vẫn tăng trưởng

26/02/2018

 Năm 2017 được đánh giá là năm ngành chế biến gỗ gặp rất nhiều khó khăn như cạnh tranh về thị trường tiêu thụ, giá cả đầu vào tăng… 


 Đặc biệt là giá nguyên liệu gỗ tăng đột biến nhưng doanh thu và lợi nhuận của phần lớn các đơn vị chế biến gỗ phôi, gỗ ghép và tinh chế vẫn tăng.

Sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: Tùng Châu
Mở rộng chế biến gỗ tinh chế
Đánh giá tại Lễ công bố hoàn thành kế hoạch (KH) sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2017 Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An, Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Trương Minh Trung nhận định, năm 2017, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực gỗ nói riêng của VRG gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là sự khó khăn về cạnh tranh giá cũng như thị trường. Riêng về chế biến gỗ phôi, gỗ ghép và gỗ tinh chế ngoài khó khăn về nguyên liệu đầu vào tăng đột biến (có những thời điểm tăng từ 30 – 40% so với dự kiến ban đầu) thì yêu cầu về chất lượng của khách hàng ngày càng khắt khe cộng với cạnh tranh về tay nghề, về đơn giá sản phẩm, đặc biệt là việc chứng minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD.
Tuy nhiên, các đơn vị chế biến gỗ đã vượt khó hoàn thành kế hoạch (KH). Thậm chí nhiều đơn vị vẫn hoàn thành trước KH được giao như Gỗ Thuận An, Đồng Nai, Dầu Tiếng và Tây Ninh.
Trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm tinh chế, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An là một điểm sáng của VRG. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này, năm 2017, Gỗ Thuận An một lần nữa khẳng định được vị thế của mình. Công ty đã về đích sớm 22 ngày so với KH đề ra. Theo đó, tính đến ngày 09/12/2017, Công ty sản xuất 49.970 m3 sản phẩm gỗ các loại (trong đó các sản phẩm gỗ tinh chế là 6.650 m3), sản lượng tiêu thụ 40.720 m3, đạt 100% KH, tổng doanh thu 530 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trên 19 tỷ đồng, vượt gần 4% KH. Thu nhập bình quân cả năm ước đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Theo tính toán, đến hết năm 2017, Công ty sản xuất được hơn 49.000 m3 (trong đó các sản phẩm gỗ tinh chế là 6.989 m3, vượt 7,52% so với KH), tiêu thụ 41.480 m3, tổng doanh thu của đạt gần 567 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 20,3 tỷ đồng.
Năm 2017 Công ty CP gỗ Dầu Tiếng đạt sản lượng gỗ phôi và ghép tấm 41.300 m3
Bên cạnh các đơn vị chế biến gỗ tinh chế như Gỗ Thuận An, Gỗ Đông Hòa, năm nay Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng cũng hoàn thành KH sản xuất và tiêu thụ 800 m3. Riêng Công ty CP Chế biến Xuất Nhập khẩu gỗ Tây Ninh, mặc dù năm 2017 mới đưa dây chuyền sản xuất gỗ tinh chế vào hoạt động nhưng cũng chế biến và tiêu thụ được 400 m3 sản phẩm gỗ tinh chế các loại. Về hiệu quả SXKD chung, tính đến hết tháng 10/2017 Gỗ Tây Ninh đạt được những con số khá ấn tượng như sản lượng sản xuất đạt 59.600 m3, doanh thu trên 406,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 8,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy hiệu quả các sản phẩm gỗ ghép
Đối với các doanh nghiệp chuyên SXKD gỗ phôi và ghép tấm, năm 2017 cũng là năm vượt khó thành công ngoài mong đợi với những con số khá ấn tượng. Cụ thể, Công ty CP Chế biến gỗ Đồng Nai chế biến được 22.500 m3 gỗ phôi, 1.850 m3 gỗ ghép, lợi nhuận sau thuế 8,4 tỷ đồng, vượt 112% KH; tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ 28%, vượt 112% KH.
Cũng với lĩnh vực này, Công ty CP Cao su Trường Phát chế biến được trên 41.000 m3 gỗ phôi, 7.345 m3 gỗ ghép; doanh thu trên 383 tỷ đồng (vượt 31,8% KH); lợi nhuận sau thuế 7,36 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ đạt 14,72%, thu nhập gần 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Riêng Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng, ngoài sản lượng sản xuất các sản phẩm tinh chế là 800 m3, thì năm nay sản lượng chế biến gỗ phôi và ghép tấm cũng đạt 41.300 m3. Từ đó tổng doanh thu cả năm của đơn vị này đạt trên 276,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 6 tỷ đồng.
Có được kết quả khả quan như vậy, các đơn vị đã chủ động tìm đến các khách hàng truyền thống để đàm phán về giá nhằm giữ chân cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời không ngừng đồng bộ hóa thiết bị máy móc, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, hầu hết các công ty đã có những bước cải tiến mang lại hiệu quả rõ rệt như sắp xếp máy móc trong dây chuyền sản xuất, cung ứng đồng bộ, kịp thời nguyên vật liệu góp phần giảm thời gian chờ đợi trong sản xuất, tiết giảm được lượng điện hao phí, nâng cao năng suất lao động.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>