Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cây cao su, tín hiệu tích cực cho huyện Mường Nhé

11/12/2017

 Sau 8 năm triển khai trồng trên đất Mường Nhé, cây cao su đã sinh trưởng và phát triển tốt. Cao su đã và đang tạo nên triển vọng mới trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân huyện Mường Nhé.


 Xác định đặc thù của huyện Mường Nhé là huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu, đầu tư thâm canh còn hạn chế, chăn nuôi gia súc gia cầm còn ở mức thấp, ngành nghề phụ chưa phát triển... chính vì thế, một trong các giải pháp mà các cấp chính quyền huyện Mường Nhé đề ra là phải chuyển đổi sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu, thời tiết, nhân lực lao động.

Công nhân Công ty Cao su Mường Nhé chăm sóc cây cao su
Thực hiện Dự án phát triển cây cao su trên đất Mường Nhé, đến nay sau hơn 8 năm triển khai Dự án, trên 1.200 hecta đất hoang hóa, bạc màu và các đồi cây bụi đã được phủ xanh bởi những vườn cao su từ 5 đến 8 tuổi, tập trung ở địa bàn xã Nậm Kè, xã Mường Toong và xã Mường Nhé.
Ông Nguyễn Công Tám Giám đốc Công ty Cao su Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho biết: Theo thỏa thuận được các cấp phê duyệt Dự án trồng từ 2.000 đến 3.000 hecta, đến nay Công ty có diện tích cao su đứng trên địa bàn 3 xã Nậm Kè, Mường Nhé và Mường Toong là trên 1.200 hecta. Chúng tôi cũng đang tiếp tục phát triển mở rộng diện tích để đạt kế hoạch.
Đầu năm 2015, khi giá mủ cao su trên thị trường thế giới xuống thấp, việc phát triển cây cao su gặp khó khăn, lúc này đã có nhiều hoài nghi về hiệu quả Dự án cây cao su trồng trên đất Mường Nhé. Nhưng được sự ủng hộ và tạo điều kiện của các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé; tập thể cán bộ, công nhân và người lao động Công ty cao su Mường Nhé đã vượt qua những khó khăn, thách thức để đem lại niềm tin mới cho người dân.
Cũng theo chia sẻ từ Ông Nguyễn Công Tám, vừa qua Công ty đã tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm sang bên Giang Thành, Trung Quốc, đơn vị bạn đã mời Công ty sang và làm việc, qua đó họ xem xét mua sản phẩm của Công ty. Với địa bàn từ Mường Nhé sang Giang Thành, Trung Quốc khoảng 70 km, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để giảm giá vận chuyển sản phẩm. 
Anh Mùa A Vang ở xã Mường Nhé hồ hởi cho biết: Được giới thiệu làm công nhân cao su, anh đã đăng ký và nhận khoanh nuôi 6 ha cao su của Nông trường. Từ khi nhận chăm sóc, bón phân và bảo vệ 6 ha cao su, mỗi tháng đem lại cho anh nguồn thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh và mọi công nhân trong Nông trường đều được đóng bảo hiểm, đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định để anh em công nhân yên tâm gắn bó lâu dài với cây cao su.
Phát triển trồng cao su tại tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng có vai trò quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn thay đổi tập quán du canh du cư của người dân. Mặc dù giá mủ cao su vẫn chưa tăng cao như mong đợi, song với sự sinh trưởng, phát triển tốt của cây cao su trên đất Mường Nhé như hiện nay, tin tưởng cây cao su sẽ giúp người dân huyện Mường Nhé xóa đói, giảm nghèo bền vững.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>