Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cao su Tân Biên: 36% diện tích đất cao su sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng

16/11/2020

Theo đề án tái cơ cấu, mục tiêu đến năm 2030, diện tích cao su của Công ty CP Cao su Tân Biên giảm xuống còn 64% trên tổng diện tích.


Cụ thể Công ty sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng 2.211 ha đất trồng cao su sang đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, điện năng lượng mặt trời, khai thác khoáng sản, và dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trồng xen canh tại NT Suối Ngô, cao su Tân Biên. Ảnh: Nguyễn Lý
Từ chủ trương…
Công ty CP Cao su Tân Biên hiện đang quản lý 6.768,72 ha, nằm ở phía Bắc của tỉnh Tây Ninh trên địa bàn 8 xã: Tân Lập, Thạnh Bình (huyện Tân Biên); Tân Hiệp, Thạnh Đông, Tân Đông, Suối Dây, Suối Ngô, Tân Hòa (huyện Tân Châu). Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) của công ty, nhưng với sự đồng thuận, nỗ lực vượt khó, Công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn biên giới.
Hiện nay Công ty đã và đang triển khai xây dựng kế hoạch để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên định hướng vĩ mô của Chính phủ nói chung, cũng như mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cụ thể của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và tỉnh Tây Ninh nói riêng. Ngày 20/02/2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong giai đoạn này, tỉnh Tây Ninh đã đề ra những mục tiêu cụ thể, như  quy hoạch các vùng sản xuất  để  kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 800 ha (đến năm 2020) và 1.800 ha (đến năm 2030). Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản là thực phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic, tỷ lệ này đến năm 2030 sẽ tăng lên 60%. Đặc biệt, trong các loại cây trồng truyền thống, tỉnh Tây Ninh giảm diện tích các loại cây trồng truyền thống như lúa, mì, cao su để phát triển mạnh các cây trồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu.
Đối với VRG đã định hướng phát triển 5 ngành nghề kinh doanh chính. Trong đó, tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực để tạo đà tăng tốc, phát triển trong năm 2019, 2020 và kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đó là sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển các khu công nghiệp. Vì vậy, với tiềm năng về tài chính, quỹ đất hiện có, Công ty CP Cao su Tân Biên cơ cấu lại ngành nghề, trong đó có quy hoạch theo hướng phát triển khu công nghiệp, khu dân cư và các tiện ích xã hội.
…đến những mục tiêu cụ thể
Xuất phát từ thực tiễn khách quan và yêu cầu cấp thiết trên, Công ty đã tiến hành xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang các cây trồng hiệu quả hơn, có điều kiện để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ; khu dân cư phù hợp với quy hoạch của tỉnh Tây Ninh nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng đất cho mục tiêu phát triển SXKD của Công ty trong thời gian tới. Từ đó làm cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển công ty theo hướng bền vững. Đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người lao động; đảm bảo sử dụng đất hợp lý, hiệu quả cao hơn, tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.
Trên cơ sở đó, định hướng đến năm 2030, Công ty CP Cao su Tân Biên chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 2.211,31 ha. Ông Dương Tấn Phong – Phó TGĐ Công ty cho biết, để thực mục tiêu trên, Hội đồng Quản trị Công ty đã thống nhất xây dựng kế hoạch và phương án triển khai cho từng giai đoạn cụ thể. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Cao su Tân Biên sẽ chuyển đổi sang cây nông nghiệp ngoài cao su trên 622 ha. Trong đó diện tích dành cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 611,38 ha, đất cây lâm nghiệp 11,26 ha. Ngoài ra, đất phát triển khu công nghiệp 484,77 ha; đất phát triển khu dân cư 169,99 ha; đất phát triển điện năng lượng mặt trời 156,78 ha; đất chuyển sang khai thác khoáng sản mỏ đá 62,5 ha. Lúc đó diện tích cao su còn lại là 5.012,20 ha.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>