Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cao su Phú Riềng hướng tới môi trường chế biến không hóa chất

18/05/2020

Hiện nay, các nhà máy chế biến mủ của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã khống chế không còn mùi hôi của khí Amoniac thoát ra từ khu vực sản xuất và không phải dùng Acid Sunfuaric đánh đông mủ Skim. Đồng thời, đưa mủ Skim vào sản xuất thử nghiệm Skimblock trên dây chuyền chế biến mủ tạp, sau đó là mủ tinh đã mang lại kết quả khả quan.


Theo quy định trước đây, nước xả thải tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ra môi trường phải đạt chuẩn tối thiểu loại B. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất ngày càng cao nên Nhà nước ban hành quy định mới về nước xả thải phải đạt chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường. Điều này đòi hỏi phải siết chặt quy trình xử lý nước thải, nhất là ở các nhà máy chế biến mủ cao su.

Nhà máy chế biến Trung Tâm, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở huyện Phú Riềng đang tiếp nhận mủ nguyên liệu tại các nông trường vận chuyển về, chế biến thành mủ cao su thành phẩm. Nhằm hạn chế sử dụng hóa chất trong chế biến, nhà máy đã nghiên cứu xử lý mùi hôi từ sản xuất mủ kem và giảm tối đa lượng Acid dùng đánh đông mủ skim. Đồng thời, triển khai hệ thống thu hồi Amoniac, hóa chất dùng trong chống đông chính của quá trình sản xuất mủ kem và sử dụng lại nước chua sau quá trình làm đông mủ Skim.
Hệ thống xử lý nước thải ở Nhà máy chế biến Trung Tâm, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng
Ông Vũ Duy Quý, Phó Giám đốc nhà máy cho biết: Theo quy trình, nước thải ở các dây chuyền sản xuất mủ tinh, mủ tạp và mủ kem trước khi đi vào bể điều hòa kỵ khí sẽ đi qua các bể gạn có nhiều ngăn để thu hồi các hạt cao su thất thoát, lắng bớt bùn và các chất rắn khác nhằm giảm tác động không tốt đến hệ thống phía sau. Để giảm mùi hôi của nước thải và giúp xử lý bớt các chỉ tiêu ô nhiễm, ở mỗi đầu đường cống dẫn nước thải đều được cung cấp thêm hệ vi sinh khử mùi đã được nuôi cấy. Nhà máy còn đưa mủ Skim vào sản xuất thử nghiệm mủ Skimblock trên dây chuyền chế biến mủ tạp và sau đó là mủ tinh đã mang lại kết quả khả quan.
Nhà máy chế biến mủ cao su Long Hà thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng có công suất thiết kế 9.000 tấn/năm. Tại nhà máy, giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất được đưa vào vận hành ổn định. Đây cũng là nhà máy đầu tiên sử dụng phương pháp xử lý nước thải không dùng hóa chất trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc nhà máy cho biết: Quy trình xử lý này đã giải được bài toán khó về khâu xử lý nước thải từ các nhà máy chế biến. Nước thải sau xử lý đạt loại A nước thải ngành cao su, đảm bảo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Cao su Phú Riềng còn là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cao su Phú Thịnh. Hiện Nhà máy chế biến mủ Phú Thịnh thuộc Cao su Phú Thịnh ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập có hơn 40 người làm trong môi trường độc hại. Ông Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc nhà máy cho biết: Hiện không còn mùi hôi Amoniac thoát ra từ khu vực sản xuất và không phải dùng Acid Sunfuaric để đánh đông mủ Skim. Ở mỗi ngăn lọc, các kỹ sư lại bơm thêm hệ vi sinh kỵ khí để giảm bớt hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước thải. Từ đó, nhà máy đã tạo môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân, tránh được mùi hôi của Amoniac và giảm tiếp xúc với Acid Sunfuaric độc hại.
Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, đơn vị luôn quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Để đảm bảo mật độ vi sinh khử mùi và kỵ khí, nước thải được bơm hồi lưu từ bể điều hòa quay lại đầu các nguồn thải mủ tinh, mủ kem. Công đoạn này diễn ra liên tục giúp pha loãng các dòng nước thải và giảm bớt nồng độ ô nhiễm. Một chu trình khép kín được vận hành trong 24 giờ liên tục giúp nguồn nước thải sau xử lý của các nhà máy không còn mùi hôi, đạt tiêu chuẩn loại A và được phép xả thẳng ra môi trường. Ở bể cuối cùng trước khi xả ra môi trường, nước đạt chuẩn có thể tận dụng nuôi cá.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>