Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cảnh báo bệnh hại cao su đầu mùa mưa

29/05/2017

 Bệnh hại mặt cạo và rụng lá Corynespora là 2 bệnh ảnh hưởng đến cây cao su trong đầu mùa mưa.


 

Vết bệnh trên mặt cạo
Bệnh hại mặt cạo
Trong thời gian gần đây, do thời tiết mưa ẩm liên tục, một số vườn cây mới mở cạo xuất hiện triệu chứng bệnh trên miệng cạo, mặt cạo với nhiều vết thâm đen hoặc thối nhũn, phần vỏ bệnh nặng bị khô xốp, màu nâu và có xu hướng lan rộng, bên dưới vết bệnh có lớp đệm mủ, gỗ phía trong vết bệnh bị thâm đen. Vết rập ranh tiền bị nứt và thâm đen phía trong. Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đánh giá sơ bộ đây có thể là bệnh loét sọc mặt cạo hoặc bệnh thối vỏ Fusarium.
Để kịp thời phòng trị và ngăn chặn bệnh lây lan, Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có công văn số 1388/CSVN-QLKT ngày 18/5/2017 hướng dẫn xử lý. Trước mắt yêu cầu ngưng cạo các cây bị bệnh, tiến hành xử lý thuốc metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP…) nồng độ 2% + chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1% hoặc chế phẩm LSMC 99 cho toàn bộ các cây đã mở cạo trên lô bị nhiễm bệnh với chu kỳ 10 ngày/lần, số lần bôi: 3 lần.
Vết bệnh trên mặt cạo và ranh tiền
Các lô liền kề cũng cần phải bôi thuốc cho toàn bộ cây cạo để phòng bệnh với chu kỳ 1 tháng/lần. Các cây mới mở cạo, bôi thuốc đều toàn bộ mặt cạo. Các cây cạo khác, bôi thuốc đều trên miệng cạo và thành băng rộng 1 – 1,5 cm trên phần vỏ tái sinh sát miệng cạo. Đối với vết rập ranh tiền bôi thuốc kín các vết nứt. Lưu ý sát trùng dao bằng các loại thuốc nêu trên nhằm hạn chế bệnh lây lan qua dao cạo.
Bệnh rụng lá Corynespora
Do đặc điểm thời tiết đầu năm 2017 xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa và hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa nên bệnh Corynespora xuất hiện sớm và phát triển mạnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cao su kiến thiết cơ bản (KTCB) và làm giảm sản lượng vườn cây kinh doanh. Trước tình hình trên Ban QLKT Tập đoàn đã có công văn số 1397/CSVN-QLKT ngày 18/5/2017 đề nghị các Công ty thành viên thực hiện những công việc sau:
Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sớm và phòng trị bệnh kịp thời đối với những dòng vô tính mẫn cảm với bệnh như RRIV 3, RRIV 4…
Vết bệnh Corynespora trên lá
Đối với lô cao su KTCB và kinh doanh thực hiện phun thuốc trị ngay khi phát hiện bệnh còn ở mức nhẹ (cấp 1 – 2) và có 3 – 5% lá non rụng do nhiễm bệnh. Thực hiện phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non, phun ướt mặt dưới lá, phun 2 – 3 lần với chu kỳ 7 – 10 ngày/1 lần.
- Sử dụng một trong các công thức thuốc sau: hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp carbendazim (Vicarben 50SC, Carbenzim 500FL, Carbenvil 50SC, Glory 50SC) nồng độ 0,1% + hexaconazole nồng độ 0,1% (phối trộn theo tỷ lệ 1:1) hoặc các loại thuốc phối trộn sẵn carbendazim và hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,2%; hoặc carbendazim và mancozeb (CaMa 750WP) nồng độ 0,2%; pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2%, phun ướt toàn bộ lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá. Nên luân phiên sử dụng các loại thuốc được khuyến cáo để tránh nấm hình thành tính kháng thuốc.
Nguyễn Anh Nghĩa, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/ky-thuat-cao-su/canh-bao-benh-hai-cao-su-dau-mua-mua.html, ngày 22/5/2017 (CN trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>