Tin tức >> Tin cao su trong nước

“Cần ngăn chặn, hạn chế sự xâm nhập của bệnh Pestalotiopsis vào Việt Nam”

09/12/2019

Bệnh rụng lá Pestalotiopsis đã bùng phát tại một số quốc gia khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng. Tạp chí Cao su Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam.


 

Triệu chứng bệnh rụng lá Pestalotiopsis
- Thưa ông, bệnh rụng lá Pestalotiopsis là gì; diễn biến của bệnh tại các quốc gia trong khu vực và tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Nghĩa: Bệnh rụng lá Pestalotiopsis là một loại bệnh mới trên cây cao su gây ra bởi nấm Pestalotiopsis sp. Bệnh có thể tấn công lá, chồi, cành, quả và hạt nhưng chủ yếu là trên lá trưởng thành gây rụng lá và dẫn đến sụt giảm sản lượng đáng kể. Bệnh xuất hiện và bùng phát thành dịch trong thời gian gần đây tại một số nước trồng cao su trong đó có Indonesia và Thái Lan là những nước có diện tích và sản lượng cao su đứng đầu thế giới.
Tại Indonesia, bệnh bắt đầu xuất hiện từ Bắc đảo Sumatra vào năm 2016, sau đó lan dần xuống phía Nam đảo vào cuối năm 2017 và bùng phát thành dịch vào đầu năm 2018 trên diện tích 22.085 ha. Đầu năm 2019, bệnh tiếp tục bùng phát mạnh trên diện tích 103.254 ha với khu vực bị ảnh hưởng bao gồm các đảo Sumatra, Java, Sulawesi và Kalimantan. Đến tháng 7/2019, căn bệnh này đã lan đến hơn 382.000 ha cao su trong cả nước. Đến đầu tháng 11/2019, tổng diện tích bị ảnh hưởng là 386.930 ha. Hầu hết các dòng vô tính được khuyến cáo tại Indonesia đều bị nhiễm (BPM 24,  GT 1,  IRR 112, PB 260, PB 340, RRIC 100). Bệnh đã gây rụng trên 50% tán lá và làm sụt giảm trên 25% sản lượng.
Triệu chứng bệnh rụng lá Pestalotiopsis
Tại Malaysia, bệnh bắt đầu bùng phát tại Bang Johor vào tháng 11/2017. Đến tháng 02/2019 bệnh đã xuất hiện tại hầu hết các bang trên diện tích gần 800 ha. Đến nay, 2.712 ha cao su đã bị nhiễm. Hầu hết các dòng vô tính phổ biến đều mẫn cảm với bệnh. Cụ thể, các dòng vô tính RRIM 600 và PB 350 bị nhiễm bệnh nặng; PB 260, RRIM 2001, RRIM 2023, RRIM 2025 bị nhiễm vừa phải. Kết quả điều tra cho thấy, bệnh có thể gây rụng lá lên tới 90% và làm giảm 30% năng suất. Bệnh này hiện trở thành một trong những bệnh quan trọng ở Malaysia.
Tại Thái Lan, bệnh đã bùng phát tại tỉnh Narathiwat vào tháng 9/2019. Bệnh gây hại nghiêm trọng trên các dòng vô tính RRIM 600, RRIT 251 và PB 311. Sau đó bệnh lây lan rất nhanh sang các tỉnh Pattani, Yala và Trang. Đến đầu tháng 11/2019, đã có khoảng 51.200 ha bị nhiễm bệnh với hầu hết các khu vực nằm ở Narathiwat (45.484 ha).
Ngoài ra, Sri Lanka cũng đã báo cáo có khoảng 1.000 ha cao su bị nhiễm bệnh. Như vậy, cho đến nay, tổng diện tích cao su bị nhiễm bệnh được báo cáo là khoảng 442.000 ha, trong đó Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nhiễm đến 387.000 ha; Malaysia gần 3.000 ha; Thái Lan trên 51.000 ha; Sri Lanka 1.000 ha. Rõ ràng, bệnh Pestalotiopsis hiện đang bùng phát tại một số nước sản xuất cao su là điều đáng báo động. Qua khảo sát cho thấy, bệnh có thể gây rụng từ 50% đến 90% tán lá, làm sụt giảm từ 15% đến 50% sản lượng và sự sụt giảm này sẽ tăng dần hàng năm.
Hiện chưa có báo cáo phát hiện bệnh này tại Việt Nam, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp bệnh đã xuất hiện nhưng chưa được phát hiện do nhầm lẫn với các loại bệnh khác đang phổ biến.
Triệu chứng bệnh rụng lá Pestalotiopsis
- Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát bệnh này, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Nghĩa: Theo các chuyên gia, nguyên nhân bùng phát dịch tại Indonesia là do mưa liên tục kéo dài từ cuối năm sang đầu năm sau làm tăng ẩm độ không khí, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển, thêm vào đó do giá mủ thấp nên vườn cây không được chăm sóc, bón phân kể từ năm 2014 làm cho cây yếu dễ bị nấm bệnh tấn công và gây hại.
Về tác nhân gây bệnh, vào năm 2018, các chuyên gia cho rằng là do nấm Neofusicoccum sp. gây ra. Tuy nhiên, sau đó, nấm Pestalotiopsis được xác định là mầm bệnh chính. Sang năm 2019, lại phát hiện sự có mặt của Pestalotiopsis sp. và Colletotrichum sp. trên vết bệnh. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng, việc rụng lá có thể là do có nhiều hơn một mầm bệnh tấn công theo trình tự. Lá bị suy yếu ban đầu do sự tấn công của mầm bệnh đầu tiên và sau đó, việc rụng lá là do mầm bệnh thứ hai hoặc thứ ba gây ra.
Trong đợt bùng phát vừa rồi, giả thiết này phần nào đã được chứng minh. Pestalotiopsis tấn công những lá trưởng thành đã bị nhiễm Oidium và/hoặc Colletotrichum gây ra rụng lá nghiêm trọng. Thêm vào đó, nấm Pestalotiopsis còn có nhiều ký chủ khác như: cọ dầu, cà phê, ca cao, cây ăn quả và một số cỏ dại bên cạnh cao su. Có thể nấm Pestalotiopsis gây bệnh trên các cây này do gió, mưa đã lan sang và gây bệnh cho cây cao su. Tại các nước khác sự bùng phát dịch cũng có thể là do các nguyên nhân tương tự và sự lây lan nguồn bệnh từ các vùng bệnh của các nước lân cận.
Như đã nêu ở trên, bệnh Pestalotiopsis gây ra rụng lá nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng vườn cây. Sản lượng thấp dẫn đến thu nhập giảm, hiệu quả kinh doanh kém. Đầu tư trở lại cho vườn cây từ đó cũng bị ảnh hưởng. Chăm sóc, làm cỏ, bón phân bị giới hạn dẫn đến vườn cây yếu, dễ bị nhiễm bệnh. Vòng lẩn quẩn lại tiếp tục.
Cần theo dõi, phát hiện kịp thời khi bệnh Pestalotiopsis xuất hiện. Ảnh: Vũ Phong
- Hiện bệnh chưa bùng phát tại Việt Nam, vậy để phòng ngừa bệnh Pestalotiopsis cần phải làm gì, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Nghĩa: Cần ngăn chặn, hạn chế sự xâm nhập của bệnh vào Việt Nam. Cụ thể, khi đến các vùng có bệnh tại các nước cần lưu ý không để thân thể, quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân tiếp xúc với vết bệnh hoặc nguồn bệnh từ cây cao su. Tuyệt đối không mang những bộ phận của cây cao su hoặc nguồn nấm bệnh từ nước ngoài về Việt Nam. Giặt và làm vệ sinh sạch sẽ quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân đã sử dụng khi đi vào vùng bệnh. Không đi vào vườn cây cao su trong nước trong ít nhất 3 ngày sau khi về Việt Nam.
Cần chăm sóc, bón phân, phòng trị tốt các loại bệnh khác để vườn cây khỏe, không bị bệnh, hạn chế khả năng lây nhiễm và bùng phát bệnh Pestalotiopsis.
Cần theo dõi, phát hiện kịp thời khi bệnh xuất hiện để có biện pháp khống chế ngăn chặn bệnh phát triển, lây lan. Nếu phát hiện vườn cây có triệu chứng bệnh tương tự cần báo cáo ngay cho Ban Quản lý Kỹ thuật và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (chụp ảnh vết bệnh và báo cáo gởi về địa chỉ qlkt@rubbergroup.vn và nnkhiem@rubbergroup.vn, anhnghia@gmail.com) để tiến hành các bước xác minh tiếp theo.
Trường hợp xác định vườn cây bị nhiễm bệnh, nhanh chóng xử lý bằng các loại thuốc  trừ  nấm gốc triazole (hexaconazole, propiconazole…), chlorothalonil, mancozeb, propineb. Thực hiện các biện pháp canh tác bổ sung như làm cỏ, bón phân.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>