Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Thái Lan: người trồng cao su điêu đứng

05/01/2016

 (TBKTSG Online)  – Giá cao su rớt xuống mức thấp nhất trong 6 năm đang đẩy nông dân trồng cao su ở Thái Lan – nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới – rơi vào cảnh điêu đứng vì thua lỗ.


 Ông Winai Chaikunanant, 70 tuổi, có một vườn cao su diện tích 600 rai (1 rai = 1.600 m2) ở tỉnh Rayong. Trong vụ mùa này ông đã không cạo mủ hơn một nửa diện tích cây cao su; 20 trong số 30 nhân công cạo mủ mà ông thuê đã bỏ việc vì mức thù lao họ được trả còn thấp hơn mức lương tối thiểu tại Thái Lan là 300 baht/ngày (1 baht = 625 đồng Việt Nam).

Ông Winai Chaikunanant dự định chặt bỏ 100 rai cây cao su để trồng sắn và dứa. “Tôi đã cố cắt giảm chi phí, tiết kiệm điện và giảm các chi phí sinh hoạt mà vẫn không khá hơn được”, ông cho biết.
Tại Thái Lan hiện nay, giá cao su tấm đã giảm xuống còn 37 baht/kg từ mức trung bình 56 baht/kg năm 2014 trong khi chi phí trung bình để sản xuất cao su là 65 baht/kg.
Nhu cầu toàn cầu đối với cao su thiên nhiên, được sử dụng chủ yếu để sản xuất lốp xe, đang chậm lại khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc, nước tiêu thụ xe ô tô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nguồn cung lại gia tăng do đà tăng giá kéo dài cả thập kỷ đẩy giá cao su lên mức kỷ lục vào năm 2011 đã khuyến khích các nước sản xuất cao su hàng đầu như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam mở rộng diện tích cây cao su.
Theo Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường cao su Rubber Economist (Anh), sản lượng cao su có thể tiếp tục vượt nhu cầu thêm hai năm nữa và dư thừa cao su sẽ tăng gấp 4 lần trong năm 2016 so với năm 2015.
Cụ thể, theo dự báo của Rubber Economist, sản lượng cao su toàn cầu năm 2016 sẽ tăng 3,8%, lên mức 13 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2018. Nguồn cung cao su thiên nhiên sẽ vượt nhu cầu khoảng 411.000 tấn trong năm 2016 và 430.000 tấn vào năm 2017; đây là mức dư thừa khá lớn nếu so với dư thừa 98.000 tấn trong năm 2015. Ông Prachaya Jumpasut – Giám đốc Rubber Economist – cho biết tiêu thụ cao su tăng chậm và sẽ khiến tồn kho cao su lên mức kỷ lục 3,7 triệu tấn vào cuối năm 2017.
Ông Hidde Smit – nguyên Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) có trụ sở ở Singapore – nhận định tình trạng cung dư thừa có thể khiến giá cao su suy yếu trong 10 năm nữa. Ông cho biết mặc dù một số nông trường nhỏ đang cắt giảm diện tích trồng cao su nhưng diện tích trồng cao su ở 11 nước xuất khẩu cao su của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã tăng 45% so với thời điểm năm 2004.
Chánh Tài (theo Bloomberg News), trích nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/140665/Thai-Lan-nguoi-trong-cao-su-dieu-dung.html, ngày 04/01/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về