Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Ngành cao su Thái Lan gặp khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

03/12/2018

 Giá cao su đã giảm tới 20% kể từ tháng 6 tới nay, do cuộc chiến thuế với Mỹ làm giảm mạnh nhu cầu từ Trung Quốc. 


 Những người nông dân Thái Lan từng cần mẫn cạo mủ để khai thác loại hàng hóa được gọi là “vàng trắng”, đưa nước này trở thành nước sản xuất cao su số 1 thế giới – nhưng giá giảm mạnh do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang khiến nông dân nước này ngừng khai thác cao su.

Mủ cao su Thái Lan sản xuất ra mọi thứ, từ lốp xe, bao cao su tới núm vú giả cho trẻ nhỏ và găng tay phẫu thuật, hoạt động trồng cao su trải trên hàng trăm ngàn ha tại Thái Lan. Nhưng thương mại cao su đang ở ngã ba đường do cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gây ra cho Đông Nam Á những hậu quả không lường.
Tại Thái Lan, giá cao su đã giảm tới 20% kể từ tháng 6 tới nay do các chính sách thuế của Mỹ đang đánh mạnh vào nhu cầu đối với cao su thiên nhiên của các nhà máy tại Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hơn một nửa xuất khẩu cao su của Thái Lan.
Một số lao động cao su đang bị buộc phải rời bỏ công việc để tìm việc tại các nhà máy. “Tôi không thể nuôi sống lũ trẻ được nữa”, cô Annita, từng làm việc 10 tiếng mỗi ngày để thu hoạch mủ cao su tại Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan, với thu nhập chỉ 7 USD/ngày, thấp hơn lương tối thiểu và chỉ bằng một nửa so với mức lương vài năm trước. Thế nên cô đã đi tìm một công việc khác tại một nhà máy đóng gói với mức lượng khoảng 9 USD/ngày. Không ai muốn ở lại cạo mủ cao su khi thông tin về cuộc chiến thuế phát đi phát lại hàng ngày – và các vấn đề khác đang âm thầm tiến triển trên toàn thế giới. Mức đáy giá cao su đã bị phá vỡ khi giá cao su tụt xuống chỉ còn khoảng 37 Baht/kg – chỉ bằng 20% so với năm 2011.
Dư cung cao su
Khoảng 1/3 tổng sản lượng cao su thế giới đến từ Thái Lan, nơi mủ cao su được thu hoạch vào ban đêm hoặc trước bình minh. Thái Lan hiện sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn cao su hàng năm và nhu cầu giảm đột ngột của Trung Quốc cộng với tình trạng dư cung kéo dài trên thị trường cao su thế giới đang đẩy giá cao su giảm thê thảm.
“Một bầu không khí bất ổn” xâm chiếm ngành cao su sau khi chính sách thuế của Mỹ chạm tới một nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của nước này, theo ông Karako Kittipol, Giám đốc Marketing tại Thai Hua Rubber. “Các công ty Trung Quốc không muốn trữ quá nhiều cao su trong kho”, ông trả lời AFP. Đồng NDT giảm giá so với đồng USD, khiến cao su trở nên đắt hơn tương đối đối với các nhà sản xuất tại Trung Quốc.
Thái Lan đang đứng ngoài cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng Chính phủ cầm quyền đang nỗ lực giải quyết các vấn đề nguồn cung và đặt mục tiêu giảm 60.000 ha diện tích cao su trong 5 năm tới.
“Không có giải pháp đúng”
Đồng thời, cao su cũng là một vấn đề chính trị tại Thái Lan. Nông dân và lao động khai thác mủ – phần lớn đều đến từ những cộng đồng ủng hộ chính phủ đương nhiệm – có thể biểu tình khi tình hình trở nên quá khó khăn. Hồi tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã triển khai chính sách trợ cấp ban đầu – giới hạn ở khoảng 23.000 Baht mỗi vườn cao su – để giảm nhẹ gánh nặng kinh tế nhưng nông dân vẫn chưa được thuyết phục.
“Đó không phải là giải pháp đúng”, theo ông Apichit Duangdee, người đã phải đốn hạ 1/3 vườn cao su của ông hồi đầu năm nay. “Rất ít nước có thể sản xuất cao su thiên nhiên. Đây là sản phẩm mà Chính phủ Thái Lan nên thúc đẩy tốt hơn”. Nếu Chính phủ thất bại, các tác động có thể rất lớn. Công ty sản xuất lốp xe khổng lồ Michelin mua 40% cao su thiên nhiên cần thiết từ Thái Lan. “Nếu giá tiếp tục giảm, nhiều nông dân và các nhà sơ chế cao su sẽ không còn động lực sản xuất và chất lượng sẽ giảm theo”, theo ông Lionel Dantiacq, Chủ tịch Michelin khu vực châu Á và châu Úc. “Nếu giá cao su quá cao, ngành sản xuất lốp xe sẽ chịu thiệt hại với một phần gánh nặng chuyển sang người tiêu dùng”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>