Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Hoạt động nghiên cứu & phát triển (R&D) giúp nâng cao tính cạnh tranh của cao su thiên nhiên so với cao su tổng hợp

31/10/2016

 Theo Tiến sĩ Krisda Suchiva – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệCao su (Rubber Technology Research Centre: RTEC),Đại học Mahidol Thái Lan – mặc dù Thái Lan tiếp tục là quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới, ngành cao su thiên nhiên nước này đang gặp phải những thách thức về chất lượng, năng suất, thiếu hụt các nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ, lao động và khả năng tự động hóa. 


 Điều này đòi hỏi phải có nghiên cứu đột phá để giải quyết các vấn đề trên trước sự cạnh tranh từ cao su tổng hợp trên nhiều mặt. 

Theo ông, vấn đề về chất lượng cao su thiên nhiên không ổn định đã kéo dài từ lâu và không chỉ của riêng Thái Lan mà còn cả những nước sản xuất cao su thiên nhiên khác. Do đó, cần thiết thực hiện những nghiên cứu để có thể cạnh tranh được với chất lượng ổn định của cao su tổng hợp. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, tuy vậy ngay từ bây giờ những vần đề này cần được giải quyết thông qua nỗ lực của nhiều bên liên quan gồm cơ quan chính phủ, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và nhà tiêu thụ.
Về vấn đề năng suất, chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm nâng cao năng suất cao su. Việc hỗ trợ giống mới với năng suất cao khi tái canh đã được thực hiện trong nhiều năm, cho thấy hiệu quả tích cực, năng suất cao su bình quân của Thái Lan dao động từ 1,6 – 1,8 tấn/ha và có thể sẽ cải thiện hơn nữa.
Viện Nghiên cứu Cao su Thái Lan đã nghiên cứu thành công giống cho năng suất cao. 1 đến 2 giống mới cho năng suất cao hơn giống RRIM 600 hiện đang được trồng phổ biến ở Thái Lan.
Về vấn đề nghiên cứu & phát triển (R&D), hiện nay có một nguồn quỹ đặc biệt dành cho nghiên cứu cao su thiên nhiên được phân bổ bởi Quỹ Nghiên cứu Thái Lan, tuy nhiên chỉ đang tập trung vào nghiên cứu các ứng dụng của cao su thiên nhiên để gia tăng giá trị mà chưa có nghiên cứu về sự phát triển bền vững của cao su thiên nhiên.
Tiến sĩ Krisda Suchiva cho biết hiện nay nguồn lực để thực hiện những đề tài nghiên cứu về cải thiện năng suất, phát triển các dòng vô tính kháng bệnh và chịu hạn, cải thiện sự ổn định và độ sạch của mủ, ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất cao su thiên nhiên vẫn còn hạn chế.
Hiện nay,tình trạng thiếu hụt lực lượng các nhà nghiên cứu cao su có kinh nghiệm là vấn đề lớn đối với Thái Lan. Do đó, phần lớn các dự án nghiên cứu đã thực hiện không mang lại tác động lớn cho ngành cao su.
Tất cả các ngành ở Thái Lan đều thiếu hụt các nhà khoa học và kỹ thuật, nguyên nhân một phần là do thế hệ trẻ hiện nay không ưa thích học các ngành này. Một nguyên nhân khác là việc thiếu trường đào tạo cho ngành công nghệ cao su.
Tiến sĩ Krisda Suchiva cũng cho rằng đối với ngành thâm dụng lao động như cao su cần phải đầu tư công nghệ sản xuất xanh, tự động hóa nhằm nâng cao hiệu quả và giảm sự phụ thuộc vào lao động, khi trong tương lai ngành này có thể bị đe dọa bởi nguồn lao động dần hạn chế. Việc đầu tư vào công nghệ xanh không chỉ có tác động tích cực tới môi trường mà còn sức khỏe của người lao động trực tiếp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao sẽ là một thử thách để thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Vấn đề đối với ngành cao su thiên nhiên Thái Lan trongtương lai là thiếu hụt lao động gồm cả thợ cạo và công nhân làm việc tại nhà máy. Những công nghệ sản xuất hiện nay đã lạc hậu, không hiệu quả và tác động tiêu cực tới môi trường, do đó cần những công nghệ sản xuất mới được tự động hóa, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Cao su nguyên liệu Thái Lan phải dần được chuyển đổi từ mủ đông tại lô (cuplumps) sang dạng mủ nước (latex), điều này có thể khó khăn trong thực tế vì vận chuyển mủ nước từ các nông trường cao su đến các nhà máy sơ chế khó khăn và tốn kém hơn so với mủ đông. Ý tưởng của Tiến sĩ là xây dựng các nhà máy quy mô nhỏ có thể sơ chế khoảng 10 tấn mủ cao su một ngày. Lượng latex có thể dễ dàng thu gom trong phạm vi 100 km xung quanh khu vực nhà máy. Bằng cách chuyển đổi quy mô sản xuất sang nhiều nhà máy công suất nhỏ gần vườn cây giúp việc sản xuất cao su định chuẩn kỹ thuật (TSR) từ mủ nước dễ dàng hơn thay vì sử dụng mủ đông. Mô hình nhà máy sơ chế nhỏ có thể đáp ứng tốt các tiêu chí hiện đại, tự động hóa, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Mặc dù nhu cầu cao su tổng hợp đang tăng lên nhờ ưu điểm về độ bền và đàn hồi, tuy nhiên cao su thiên nhiên vẫn có những tính chất riêng không thể thay thế được, do đó cao su thiên nhiên vẫn là sự lựa chọn để sản xuất lốp xe, đặc biệt là lốp cho xe tải trọng lớn như xe buýt, xe tải, máy bay. Các sản phẩm cao su khác như đệm cầu cảng, băng tải, ống cao su cũng chứng minh việc sử dụng cao su thiên nhiên là phù hợp hơn. Cao su tổng hợp có lợi thế hơn cao su thiên nhiên về mặt hóa học và đặc tính chức năng, do đó cao su tổng hợp thích hợp để sản xuất ra các sản phẩm chịu nhiệt, chịu hóa chất như linh kiện ô tô.
Thông tin thêm về Trung tâm RTEC, đây là trung tâm dịch vụ và nghiên cứu cao su với một trong những mục tiêu chính hỗ trợ ngành cao su Thái Lan phát triển bền vững. RTEC tập trung nghiên cứu tất cả các lĩnh vực từ khâu trồng, khai thác cho đến các thành phẩm cao su cuối cùng. Đối với lĩnh vực trồng và khai thác cao su, RTEC tập trung nghiên cứu về gien giúp tạo ra giống có khả năng chống chịu bệnh tật, cho năng suất cao. Đối với lĩnh vực sơ chế, RTEC thực hiện các nghiên cứu liên quan tới công nghệ sản xuất xanh và nghiên cứu ứng dụng vào cao su thiên nhiên. Đối với lĩnh vực chế biến thành phẩm, RTEC thực hiện các nghiên cứu liên quan tới vật liệu, công nghệ chế biến sản phẩm cao su. Các kết quả từ nghiên cứu sẽ được ứng dụng để cải thiện công nghệ hiện hữu hoặc phát triển những công nghệ mới. Ngoài việc nghiên cứu, RTEC cũng cung cấp các dịch vụ khác cho ngành cao su Thái Lan như dịch vụ tư vấn, phân tích và kiểm định, nghiên cứu hợp đồng và dịch vụ đào tạo. RTEC hiện đang hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu cao su trên thế giới như Đại học Công nghệ Nagaoka, Viện Công nghệ Kyoto Nhật Bản.
Văn phòng Hiệp hội Cao su (Danh Võ) lược dịch, nguồn: “R&D can help NR keep pace with SR, Rubber Asia, tháng 9/2016:116-120


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>