Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

FAO và Dự án Quản trị đất đai khu vực Mê Kông (MRLG) đang giới thiệu hướng dẫn chính sách cụ thể của từng quốc gia về công nhận quy định quyền sử dụng đất theo tập quán ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam

26/04/2019

 Nhu cầu về đất đai và tài nguyên thiên nhiên ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. 


 Đất đai và tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm do một số nguyên nhân bao gồm tô nhượng đất với quy mô lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, khai thác lâm nghiệp, du lịch, đô thị hóa và gia tăng dân số. Những vấn đề này đặc biệt liên quan đến Khu vực Mê Kông, nơi người dân bản địa, dân tộc thiểu số và các cộng đồng khác dựa vào đất đai từ cha ông và tài nguyên thiên nhiên để sinh sống nhưng quyền lợi theo tập quán của họ không được công nhận hợp pháp. Những cộng đồng này có mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất của họ, đây không chỉ là tài sản kinh tế – mà còn là yếu tố cốt lõi về bản sắc, văn hóa và hoạt động tâm linh của họ. Bảo vệ quyền sử dụng đất cũng được liên kết chặt chẽ với việc hưởng các quyền cơ bản của con người như quyền được hưởng tiêu chuẩn đầy đủ về đời sống, sức khỏe, thực phẩm và nơi ở – và quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự đến năm 2030.

Tuy nhiên, do sự cạnh tranh hiện tại về đất đai và tài nguyên thiên nhiên, các cộng đồng dân cư đang bị mất đất đai. Xung đột đất đai đang gia tăng, do đó tình trạng này đã tạo ra những thách thức cho sự phát triển đầu tư đất đai có trách nhiệm để có thể tăng năng suất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội. Thiếu sự công nhận và bảo vệ quyền sử dụng đất theo tập quán, đặc biệt là trong các hoạt động đầu tư đất đai với quy mô lớn, là một trong những vấn đề gây tranh cãi và phức tạp nhất về đất đai trong thời gian gần đây.
Theo ước tính, ít nhất 70% đất đai ở các nước đang phát triển là chưa được quản lý. Khá nhiều các khu đất theo phương thức sử dụng đất dựa trên tập quán không được quản lý và không được chính phủ công nhận hoặc thừa nhận. Trong trường hợp không có sự công nhận như vậy, quyền sử hữu hợp pháp của các cộng đồng dân cư đối với đất đai không được công nhận, khảo sát và đưa vào hệ thống đăng ký địa chính và đất đai của quốc gia (nếu có). Nếu không có sự thừa nhận quyền sử dụng đất này, sẽ có tình trạng không rõ ràng về phạm vi chính xác của một khu vực cộng đồng, hoặc liệu một khu vực nhất định đang được sử dụng hay chưa. Trong bối cảnh này, các mảnh đất đã được người dân nông thôn sử dụng nhưng Chính phủ lại cho là đất hoang không có người ở, đã được giao cho các công ty trong và ngoài nước để đầu tư. Những vấn đề này đã là căn nguyên của xung đột và bạo lực ở một số nơi trong khu vực.
Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách đã tranh luận về cách đối phó với sử dụng đất theo tập quán, đôi khi được coi là không chính thức, mang tính bản địa hoặc luật truyền thống. Cải thiện sự hiểu biết về những thách thức và cơ hội liên quan đến việc công nhận các phương thức sử dụng đất theo tập quán là rất quan trọng để thúc đẩy đối thoại chính sách với Chính phủ và các bên liên quan. Hơn nữa, việc thực hiện các nguyên tắc và tiêu chuẩn được quốc tế công nhận là thông lệ tốt về quản lý sử dụng đất, theo quy định của Hướng dẫn tự nguyện về Quản trị có trách nhiệm đối với quyền sử dụng đất, thủy sản và rừng theo tình hình an ninh lương thực quốc gia (VGGT), cần được nhân rộng lên.
Trong bối cảnh này, FAO và MRLG đã thực hiện một loạt các cuộc họp tham vấn trong hơn một năm để thu thập các ý kiến từ nhiều bên liên quan về các vấn đề chính để công nhận sử dụng đất theo tập quán. Kết quả của quá trình này là cho ra đời các bản hướng dẫn chính sách cụ thể của từng quốc gia cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, sẽ làm cơ sở cho đối thoại chính sách với các chính phủ và bên liên quan chính, nhằm tăng cường sự công nhận và bảo vệ hợp pháp cho các phương thức sử dụng đất theo bản địa. Tăng cường an ninh sử dụng đất cho người nghèo ở nông thôn sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư có trách nhiệm vào phát triển nông nghiệp và nông thôn và từ đó thúc đẩy năng suất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam biên dịch (Thanh Danh), nguồn: https://mrlg.org/resources/challenges-and-opportunities-of-recognizing-and-protecting-customary-tenure-systems-in-myanmar/, ngày 19/3/2019


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>