Tin tức

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng vào năm 2024: Việt Nam làm gì để ứng phó?

27/02/2023

Không chỉ Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia trên thế giới sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. 


Thời gian thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu đang tới gần
Nhiều quốc gia trên thế giới dự kiến áp dụng
thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024
Theo ông Phan Đức Hiếu – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.
TS Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhận định vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu trên thế giới và tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến mới. Chính phủ nhiều nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể, gần đây, vào ngày 15/12/2022, EU đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh thuế, trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024. “Đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam và tác động đã rất cận kề với thời gian áp dụng của các quốc gia khác dự kiến từ năm tài chính 2024” – TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư như: Indonesia, Malaysia, hay Hong Kong cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Với những diễn biến mới, thời gian thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu ngày càng tới gần. Điều này đang đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp cho việc thực thi quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu để không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Dự kiến đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, điều này sẽ tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Với Việt Nam, chính sách thuế này sẽ tác động như thế nào? Theo ông Phan Đức Hiếu, hiện nay ưu đãi thuế của Việt Nam cho hoạt động đầu tư gồm phổ biến là: Ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng: Miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp.
“Chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến doanh nghiệp FDI đầu tư lớn; tác động đến việc thu hút các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tác động cả đến dự án FDI đã, đang hoạt động tại nước ta đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi; và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư FDI nhỏ nhưng họ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia thì họ có thể bị chịu thuế suất thuế tối thiểu, sẽ bị liên đới” – ông Phan Đức Hiếu thông tin và cho biết, ngoài tác động tiêu cực, thì chính sách thuế này có cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”. Để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, theo ông Phan Đức Hiếu, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá mức độ bị tác động – bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực – tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.
Trong khi đó, để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đưa ra 4 kiến nghị:
Thứ nhất, Bộ Tài chính và Tổ công tác đặc biệt cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp.
Thứ hai, Bộ Tài chính, Tổ công tác Nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như phù hợp với quy định trong Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi Hiệp định có hiệu lực dự kiến từ đầu năm 2024.
Thứ ba, Bộ Tài chính cần có đánh giá ảnh hưởng của quy tắc GloBE do mức độ ảnh hưởng lên các chính sách ưu đãi cụ thể, việc đánh giá chi tiết và cụ thể đối với từng quốc gia là rất cần thiếu để xây dựng lộ trình phù hợp, đồng thời rà soát cả những đối tượng chịu ảnh hưởng đến có những điều chỉnh phù hợp.
Thứ tư, Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ… vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì áp dụng ưu đãi về thuế.

Nguyễn Hòa, nguồn: https://congthuong.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-se-ap-dung-vao-nam-2024-viet-nam-lam-gi-de-ung-pho-243729.html, ngày 24/02/2023 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>