Tin tức

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG): 6 nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững

14/01/2019

 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) xác định doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV) là một trong những chủ trương quan trọng trong hoạt động của ngành Cao su Việt Nam để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. 


 Tại Nghị quyết số 07-NQ/ĐU ngày 16/11/2018, Đảng ủy VRG đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, xây dựng mục tiêu, kế hoạch thực hiện vì sự PTBV ngành Cao su VN gắn với Chiến lược PTBV Việt Nam đển năm 2020 theo Quyết định 432/QĐ-TTg của Chính phủ, Quyết định 889/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và PTBV, Quyết định 419/QĐ-TTg về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng, và các cam kết quốc tế đã ký kết với các nước của Chính phủ Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung nguồn lực cho sản xuất trực tiếp, đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao gia trị gia tăng trong chuỗi cung ứng mủ cao su, gỗ cao su để đảm bảo hiệu quả kinh tế, sản xuất kinh doanh (SXKD) luôn có lãi, xây dựng và phát triển thương hiệu cao su Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trồng xen canh trên diện tích cao su đảm bảo mục tiêu PTBV.
Thứ tư, áp dụng công nghệ trong sản xuất để có trách nhiệm với môi trường như giảm phát thải, sử dụng công nghệ sản xuất sạch, quản lý nguồn nước, không gây ô nhiễm môi trường, không gây tác hại làm suy thoái rừng, không xâm lấn rừng, góp phần phát triển rừng và quản lý rừng cao su theo hướng bền vững.
Thứ năm, tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt chính sách đối với người lao động (NLĐ), đảm bảo quyền lợi hợp pháp, thu nhập, đời sống của NLĐ và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng dân cư địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, nhà ở công nhân,...) để nâng cao trách nhiệm xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, tiếp tục làm việc và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan để xây dựng mô hình quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý rừng quốc tế (FSC) tại các đơn vị và Tập đoàn.
Thành lập Ban chỉ đạo Phát triển bền vững tại các công ty cao su
VRG yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo PTBV (Ban) tại các công ty cao su để triển khai thực hiện các chương trình về PTBV. Theo đó Ban có số lượng từ 3-7 thành viên kiêm nhiệm tùy theo quy mô từng công ty. Trong đó Tổng Giám đốc (TGĐ) công ty là Trưởng ban, Phó TGĐ là Phó ban thường trực cùng một số phòng ban chuyên môn.
Ban là một bộ phận của công ty, có nhiệm vụ phối hợp cùng với VRG và các tổ chức khác để xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá phương án về PTBV, có trách nhiệm xã hội và môi trường, củng cố thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cao su trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các công ty cao su cũng thành lập Tổ Thực hiện chứng chỉ rừng bền vững và Quan hệ -Tham vấn cộng đồng (Tổ). Tổ có số lượng từ 2-5 thành viên kiêm nhiệm, trong đó Tổ trưởng là người giữ chức vụ Phó TGĐ trở lên, các phòng ban chuyên môn, ưu tiên có 1 thành viên thành thạo ngôn ngữ địa phương.
Tổ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch thực hiện các yêu cầu cần tuân thủ các chứng chỉ rừng bền vững (FSC, PEFC, chứng chỉ rừng bền vững Việt Nam…), phối hợp với VRG và các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng chương trình thực hiện đáp ứng yêu cầu của chứng chỉ rừng bền vững cho các sản phẩm gỗ cao su và cao su sơ chế. Tổ hỗ trợ công ty trong việc tạo mối quan hệ tốt với cộng đồng nơi mà công ty hoạt động, cầu nối giữa công ty với cộng đồng, cũng như đề xuất với công ty về các chính sách hỗ trợ cộng đồng về an sinh xã hội, nắm bắt nguyện vọng của cộng đồng dân cư.
Đối với các công ty tại Campuchia, Lào và các công ty trong nước có diện tích cao su gần vùng đồng bào dân tộc (ĐBDT) và có sử dụng công nhân làm công tác quản lý của đơn vị từ cấp đội trở lên là người ĐBDT, trong Tổ phải có 1-2 thành viên là người ĐBDT.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PTBV ngành cao su và VRG vào ngày 14/11/2018, ông Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VRG đánh giá cao các nỗ lực và kết quả đạt được của VRG trong việc thực hiện chương trình PTBV ngành cao su trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả đạt được và tiến độ triển khai là khá chậm so với yêu cầu. Việc triển khai chương trình phát triển bền vững chưa đồng bộ, được triển khai mạnh mẽ ở Tập đoàn nhưng nhiều đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể, chưa chủ động hoặc quan tâm chưa đúng mức việc thực hiện chương trình PTBV theo chủ trương của Tập đoàn.
Ông Trần Ngọc Thuận khẳng định PTBV ngành cao su với mục tiêu phát triến kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu, là yêu cầu cấp bách và là nhiệm vụ quan trọng đối với Tập đoàn cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, quyết định sự phát triển của VRG và các đơn vị thành viên. Do vậy, phải có sự triển khai quyết liệt, đồng bộ từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị, là nhiệm vụ phải thực hiện song song với phát triển SXKD.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT VRG yêu cầu, những nội dung liên quan đến PTBV phải được giao trong kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển hàng năm với cơ cấu nguồn vốn phù hợp. Việc trồng rừng bao gồm cả trồng rừng cây gỗ lớn phải được tiến hành đồng thời ở tất cả các đơn vị: trên quỹ đất trồng cao su nhưng chưa trồng; trên quỹ đất đã trồng cao su nhưng mật độ thấp, cần trồng bổ sung để bảo đảm độ che phủ; trồng xen trên diện tích cao su tái canh…


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>