Tin tức

Tạo sức bật cho ngành cao su

23/11/2020

Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao su hiện là một trong những ngành sản xuất nông nghiệp quan trọng của Việt Nam, có ý nghĩa cả về kinh tế –xã hội và môi trường. Cây cao su đã được trồng ở khắp mọi miền đất nước, đầu tư qua Lào và Campuchia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Là cây công nghiệp lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 940 nghìn ha, kim ngạch xuất khẩu cao su hàng năm đạt hơn 2 tỷ USD. Ðể đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành cao su đang nỗ lực cơ cấu lại, tạo sức bật mới, vươn lên mạnh mẽ.


Cải tiến kỹ thuật, tăng cao năng suất

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đều nằm trong tốp đầu về năng suất mủ, với trung bình từ 1,67 tấn đến 1,72 tấn/ha/năm. Năm 2019, trong 7 nước có sản lượng và năng suất mủ cao su thiên nhiên dẫn đầu thì Việt Nam đạt mức cao nhất 1,67 tấn/ha/năm, vị trí thứ 2 là Thái Lan với 1,48 tấn/ha/năm, kế đến là Malaysia 1,46 tấn, Ấn Ðộ 1,44 tấn, Campuchia 1,15 tấn, Indonesia và Trung Quốc xấp xỉ 1 tấn/ha/năm. Năm 2020, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đánh giá, Việt Nam vẫn tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về năng suất mủ.
Thành viên Hội đồng quản trị (HÐQT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Hà Văn Khương chia sẻ: "Có được thành tích đáng mừng nêu trên là do nỗ lực không ngừng của hệ thống quản lý toàn ngành cao su, các chính sách định hướng dài hạn đúng đắn cho sự phát triển của ngành. Ðó cũng là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc và đồng bộ về cải tiến chất lượng giống, kỹ thuật canh tác chăm sóc vườn cây, kỹ thuật thu hoạch mủ… VRG kịp thời ban hành cơ cấu giống phù hợp thực tiễn. Các giống năng suất cao chủ yếu mang thương hiệu RRIV do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (thuộc VRG) nghiên cứu, thực hiện khảo nghiệm. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác được cải tiến, mật độ cây ngày càng nâng cao, chất lượng vườn cây đồng đều hơn. Chế độ thu hoạch mủ cũng không ngừng cải tiến để linh động áp dụng cho từng vùng miền, từng điều kiện lao động. Tùy nơi, chế độ cạo có thể là D3, D4 đến D6, nghĩa là 3, 4 hoặc 6 ngày cạo một lần".
Cũng theo phân tích của ông Hà Văn Khương, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác nhờ diện tích cao su đại điền chiếm đa số. Cả nước hiện có hơn 940 nghìn ha cao su, trong đó, cao su đại điền do VRG quản lý gần 300 nghìn ha, chiếm tỷ lệ hơn 30%. Diện tích này được quản lý một cách chặt chẽ và có hệ thống theo các quy trình kỹ thuật (QTKT) 2012 và mới đây nhất là QTKT 2020. Nhiều đơn vị ngoài tập đoàn hay cao su tiểu điền ở khu vực lân cận cũng đồng thời học tập và áp dụng các hướng dẫn chung về QTKT mà tập đoàn đã ban hành. Bên cạnh việc quản lý và kinh doanh có hiệu quả trên các diện tích cao su, VRG còn hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, giống cao su mới tạo tuyển cho các thành phần khác tham gia sản xuất và kinh doanh cao su. Ðiều này góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của ngành cao su Việt Nam.
VRG hiện có 12 công ty thành viên, 80 nông trường trực thuộc nằm trong danh sách "Câu lạc bộ 2 tấn". Các công ty cao su thành viên của VRG duy trì được năng suất cao nhất, có thể kể đến như: Phước Hòa, Phú Riềng, Ðồng Phú, Tây Ninh liên tục hơn 10 năm vào "Câu lạc bộ 2 tấn". Còn các công ty cao su như: Bình Long, Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Tân Biên, Bình Thuận, Kon Tum liên tục hơn 5 năm nằm trong "Câu lạc bộ 2 tấn".
Công ty CP Cao su Phước Hòa (huyện Phú Giáo, Bình Dương) quản lý hơn 15,5 nghìn ha cao su, trong đó diện tích vườn cây cao su kinh doanh năm 2020 là 6,52 nghìn ha. Ðể nâng cao năng suất, Công ty triển khai các giải pháp quy hoạch mặt cạo nhằm phát huy tối đa vùng huy động mủ trên miệng cạo, tạo cơ sở cho năng suất cao và bền vững. Bên cạnh đó, Công ty áp dụng các cải tiến kỹ thuật vào vườn cây như gắn máng chắn mưa, mái che mưa 2 trong 1 giúp che mặt cạo, che chén hứng mủ, giúp giảm tác động do mưa... Cùng với đó là duy trì phong trào thi đua "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su". Từ đó, trình độ tay nghề công nhân được nâng lên, năng suất lao động, năng suất vườn cây, chất lượng sản phẩm hàng năm tăng cao. Năm 2019, toàn công ty đạt năng suất hơn 2 tấn/ha. Ðây là năm thứ 15 liên tiếp, Công ty đạt năng suất hơn 2 tấn/ha. Năm 2020, Công ty phấn đấu tiếp tục giữ năng suất hơn 2 tấn/ha, hoàn thành kế hoạch 11,5 nghìn tấn mủ.
Giám đốc Nông trường Tân Lập, Công ty CP Cao su Ðồng Phú (huyện Ðồng Phú, Bình Phước) Hoàng Kim Bảo chia sẻ kinh nghiệm duy trì năng suất vườn cây của nông trường hơn 2 tấn/ha trong những năm qua là phải có cơ cấu giống phù hợp, tỷ lệ thanh lý cây hàng năm hợp lý (diện tích thanh lý và diện tích mở cạo mới bằng nhau). Ngoài ra, phải thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, chống trộm cắp mủ. Quan trọng hơn là phải giữ ổn định lực lượng lao động bằng các giải pháp chăm lo tốt đời sống công nhân và rèn luyện tay nghề.
Ða dạng hóa chuỗi sản phẩm
Việt Nam có lợi thế năng suất mủ cao su cao nhất thế giới, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đó chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ để tạo lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm các nước khác. Yếu tố đủ phải là kéo dài chuỗi sản phẩm từ nông nghiệp đến sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su có giá trị cao và cung ứng dịch vụ cho chuỗi sản phẩm này.
Từ yêu cầu đó, bên cạnh lĩnh vực cao su, VRG còn tập trung nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác đã được Chính phủ phê duyệt gồm: Chế biến gỗ, khu công nghiệp và công nghiệp cao su. Các lĩnh vực này đang hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất, kinh doanh của VRG. Các sản phẩm gỗ chủ yếu của VRG gồm sơ chế, ghép tấm, tinh chế và gỗ ván sợi MDF. Từ năm 2016, các nhà máy chế biến gỗ đã tiếp tục được VRG đầu tư mở rộng. Ðến năm 2019, VRG đã có 20 nhà máy sản xuất gỗ, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 1,12 triệu m3 gỗ/năm; tổng doanh thu các công ty gỗ thuộc VRG đạt hơn 31,9 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 3,5 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1,9 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực công nghiệp cao su, VRG có 5 công ty công nghiệp cao su sản xuất các sản phẩm: Găng tay y tế, băng tải, cao su kỹ thuật các loại, nệm, gối cao su, bóng thể thao, chỉ thun…, đã đóng góp đáng kể vào doanh thu toàn Tập đoàn. Trong những năm qua, sản phẩm găng tay y tế của Công ty CP VRG Khải Hoàn có nhà máy tại Bình Dương đã khẳng định thương hiệu quốc tế, chinh phục được các thị trường khó tính, mang về nguồn ngoại tệ rất đáng kể. Hiện, nhu cầu găng tay y tế cả thế giới tăng cao do dịch Covid-19. Ðể kịp đáp ứng các đơn hàng đã ký, các công xưởng phải chạy hết công suất 24/24 giờ. Hơn 1.300 công nhân thay nhau làm 3 ca liên tục. Phó Tổng Giám đốc Dương Duy Phú phụ trách điều hành Công ty cho biết: "Hàng năm, Công ty tiêu thụ khoảng 13 nghìn đến 15 nghìn tấn mủ cao su Latex nguyên liệu của các đơn vị thành viên VRG. Trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất hơn 220.000 thùng (tương đương 220 triệu chiếc găng tay). Trong đó, 80 đến 85% sản lượng dành cho xuất khẩu sang các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga… Nhờ áp dụng chuỗi thực hành sản xuất tốt và được cấp các chứng chỉ quốc tế, sản phẩm của công ty đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính nhất. Hiện Công ty đã ký các hợp đồng xuất khẩu cho năm 2021. Dự kiến năm nay, doanh thu của công ty tăng lên mức 80 triệu USD so với mức trung bình các năm khoảng 40 đến 50 triệu USD".
Từ năm 2017, Tập đoàn đã phát triển sản phẩm lốp xe tải mang thương hiệu *** VRG, sản phẩm đạt tiêu chuẩn JIS D4230 của Nhật Bản và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7533:2005. Trong năm 2018, 1.680 bộ lốp xe tải đã được các công ty thành viên tập đoàn tiêu thụ và có phản hồi tốt về chất lượng. Năm 2019, VRG tiếp tục cho ra đời 80 nghìn lốp xe với 15 chủng loại, phù hợp với nhiều dòng xe khác nhau. Sản phẩm lốp xe được công nhận chất lượng quốc tế với giá bán cạnh tranh, rẻ hơn 15% so với sản phẩm các hãng khác… Riêng các sản phẩm như: Bóng thể thao mang thương hiệu Ngôi Sao Geru; nệm, gối Ðồng Phú đã được khách hàng trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Các doanh nghiệp đã làm chủ được những công nghệ tiên tiến, các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ðặc biệt, sản phẩm bóng thể thao của Công ty CP Thể thao Ngôi Sao Geru được các quốc gia G7, Nhật Bản rất ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, Công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 70 nghìn đến 80 nghìn USD đi các thị trường khó tính.
Việt Nam có năng suất mủ cao su cao vượt trội so với các nước khác. Nhưng để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm cao su Việt Nam trên trường quốc tế, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tuy chỉ chiếm khoảng 30% diện tích cao su cả nước nhưng lại giữ vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy ngành cao su phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, hiện Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su với hơn 220 nghìn ha, chiếm 22% diện tích cao su toàn quốc, trong đó có khoảng hơn 70 nghìn ha của các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 24 nghìn lao động; thu nhập bình quân đạt từ 5,5 đến hơn 9,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh lĩnh vực truyền thống, các công ty còn đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng đầu tư hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư, kinh doanh ngành gỗ... Trong nhiều năm qua, Bình Phước luôn bảo đảm tăng trưởng hằng năm hơn 7,5% và có thể khẳng định sự phát triển của tỉnh có sự góp sức to lớn của ngành cao su.
Vượt thách thức trên nền tảng 3 trụ cột
Dây chuyền sản xuất bóng thể thao
của Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru
Không chỉ Việt Nam, ngành cao su toàn cầu cũng đang đối mặt thách thức phát triển bền vững khi giá mủ cao su thiên nhiên duy trì mức thấp trong thời gian dài tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập người lao động. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu công nhân nghiêm trọng do sự dịch chuyển lao động sang khu vực công nghiệp. Các doanh nghiệp buộc phải có kế hoạch thay đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng lợi thế, đa dạng hóa ngành nghề để tạo sức bật.
Ða dạng cực tăng trưởng ngành cao su
Ðứng chân ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, các công ty cao su như: Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty CP Cao su Phước Hòa trên địa bàn tỉnh Bình Dương hay Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Ðồng Nai ở tỉnh Ðồng Nai gặp không ít khó khăn trong công tác điều hành cũng như lập kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng, các đơn vị này đã biết “đẩy lùi nguy cơ”, “tận dụng thời cơ” để tái cơ cấu hoạt động, giữ vững đà tăng trưởng.
Tổng công ty Cao su Ðồng Nai nằm trong khu vực sôi động phát triển các khu công nghiệp và các công trình giao thông trọng điểm quốc gia nên trong những năm qua, đơn vị này phải bàn giao một phần không nhỏ đất canh tác cao su để thực hiện nhiều dự án. Năm 2020, Tổng công ty bàn giao 1.800 ha cao su thực hiện dự án Sân bay Long Thành. Trước đó, đơn vị đã giao 400 ha thực hiện dự án tái định cư. Dự kiến, trong 5 năm tới, Tổng công ty sẽ bàn giao cho tỉnh thêm 5.000 ha đất nữa để làm dự án. Diện tích cao su giảm xuống, nguồn nhân lực của Tổng công ty lại thiếu hụt nghiêm trọng. Toàn đơn vị hiện có 4.500 lao động, trong đó lao động trực tiếp tại các vườn cây, nông trường là 3.600 người, thiếu từ 400 đến 500 lao động.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Ðồng Nai Ðỗ Minh Tuấn cho biết: “Trước những khó khăn nêu trên, Tổng công ty áp dụng giải pháp chuyển từ chế độ cạo mủ nước sang cạo mủ đông đối với 2 nông trường Cẩm Ðường và Ông Quế giúp tiết kiệm 30% lao động. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức tuyển dụng, đào tạo thêm lao động từ Hà Giang vào. Ðể tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, đơn vị triển khai hàng loạt giải pháp như: Tổ chức sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa; tăng sản phẩm tinh chế; thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường; quy hoạch chuyển đổi hàng nghìn ha đất cao su sang đầu tư khu công nghiệp (KCN), làm nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất… Riêng định hướng cho 5 năm tới, Ðảng bộ Tổng công ty chuẩn bị kỹ lưỡng trong Nghị quyết Ðại hội vừa qua. Trong nghị quyết này có chi tiết hóa kế hoạch về công tác quy hoạch, các chỉ tiêu năng suất, tiền lương… Căn cứ vào đó, các nông trường bám sát triển khai thực hiện. Mục tiêu của chúng tôi trong 5 năm tới là sẽ thay đổi “cán cân” doanh thu. Doanh thu cao su từ mức chiếm 70 đến 72% sẽ giảm còn 40 đến 45%, còn lại là các loại hình dịch vụ khác”.
Ðể khai thác và tối đa hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn có, nhất là nguồn lực về đất đai, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đề ra chương trình “Nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025”. Theo Bí thư Ðảng ủy Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng Huỳnh Thị Cẩm Hồng: “Chương trình này nhằm cụ thể hóa Ðề án Chiến lược phát triển Công ty giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiệm vụ tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) – đô thị – dịch vụ, cụm công nghiệp, nâng cao hiệu quả ngành sản xuất, kinh doanh cao su và giảm dần sự phụ thuộc các lĩnh vực không bền vững. Cụ thể, Công ty quy hoạch lại diện tích trồng cao su, tập trung phát triển các diện tích có năng suất cao. Ðưa năng suất bình quân lên hơn 2 tấn/ha vào năm 2021 và duy trì năng suất này bền vững cho những năm tiếp theo. Trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty tiếp tục liên doanh với các đối tác giàu kinh nghiệm để phát triển các dự án. Ðến năm 2025, tổng quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 3.000 ha. Riêng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, Công ty phấn đấu đến năm 2025 có thể hoàn thành được 2 KCN, bảy cụm công nghiệp và các khu dân cư phụ cận với diện tích khoảng 4.000 ha”.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Dương và VRG, Công ty CP Cao su Phước Hòa sớm triển khai chuyển đổi đất cao su kém hiệu quả sang đầu tư KCN. Chủ tịch HÐQT Công ty CP Cao su Phước Hòa Huỳnh Kim Nhựt khẳng định: “Việc chuyển đổi từ đất cao su sang đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN mà cụ thể là KCN Tân Bình và KCN Nam Tân Uyên góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho những khu vực đất xấu, bạc màu, vườn cây già cỗi, đóng góp tích cực vào việc tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động của công ty. Cụ thể, năm 2018, KCN Tân Bình chia cổ tức 15% mệnh giá giúp Công ty Phước Hòa thu về 19,2 tỷ đồng. Năm 2019, KCN Tân Bình chia cổ tức 100% mệnh giá giúp cao su Phước Hòa thu về 128 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao su góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách cho địa phương…”.
Phát triển bền vững trên 3 trụ cột
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ VRG lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2020 – 2025) khẳng định: Phát triển Tập đoàn trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế – Môi trường – Xã hội; thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường. Ðể triển khai chủ trương này, VRG đã xây dựng chương trình hành động 5 năm giai đoạn 2019 – 2024 và được ban hành tại Quyết định số 82/QÐ-HÐQTCSVN ngày 16/4/2019 của HĐQT VRG.
Theo thành viên HÐQT VRG Hà Văn Khương: “Sự phát triển bền vững của VRG được đánh giá cao trong ngành cao su Việt Nam với sự hài hòa, cân đối của 3 trụ cột kinh tế – môi trường – xã hội. Về kinh tế, VRG là doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu tại Việt Nam với hơn 410 nghìn ha rừng cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 80 nghìn lao động. Năm 2019, tổng doanh thu của đơn vị đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 4,65 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn tập đoàn năm 2019 là 7,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,8% so với năm 2018. Ðây là nỗ lực rất lớn của VRG trong thời kỳ giá cao su thấp vì kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức”.
Về trách nhiệm bảo vệ môi trường, VRG quan tâm đến chính sách bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên trong vùng dự án cao su. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của VRG là thực hiện các chứng chỉ quốc gia và quốc tế về quản lý rừng cao su bền vững. Ðây là hoạt động nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, tăng hiệu quả kinh tế kết hợp với đa dạng sinh học và bảo vệ rừng. Cuối năm 2019, đã có hơn 11.400 ha của 3 công ty thành viên Tập đoàn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đầu tiên theo tiêu chuẩn của Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS). Ðến cuối năm 2020, sẽ có thêm 45.000 ha được cấp chứng chỉ VFCS và 100.000 ha có phương án quản lý rừng bền vững. Ðến năm 2022, 300.000 ha rừng cao su của tập đoàn tại Việt Nam sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia VFCS và tiêu chuẩn quốc tế PEFC sau khi PEFC công nhận VFCS.
Về trách nhiệm xã hội, VRG được đánh giá là doanh nghiệp có trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng. Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn luôn bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân trong vùng dự án và khu vực lân cận, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống về văn hóa, xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội như đường, điện, nhà ở cho công nhân, trường học, giếng nước sạch, công trình tôn giáo và cơ sở chăm sóc sức khỏe phục vụ người lao động và cộng đồng.
Cụ thể: Phấn đấu tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách bình quân từ 3 đến 5%/năm; thu nhập người lao động phấn đấu tăng tối thiểu 5%/năm; các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm nhiệm kỳ 2020 – 2025: tăng từ 3 đến 5%/năm; tổng doanh thu 2020 – 2025 đạt từ: 25 nghìn đến 35 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách từ 15 nghìn đến 20 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt từ 8.104.000 đến 8.598.000 đồng/người/tháng.
Chủ tịch HÐQT VRG Trần Ngọc Thuận khẳng định: Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm của ngành cao su. Do đó, cần có sự thống nhất cả trong nhận thức và hành động của các cấp từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. 3 trụ cột phát triển bền vững phải được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng nhiệm kỳ và tầm nhìn nhiều kỳ. Ðồng thời, đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu thế phát triển, huy động mọi nguồn lực, đề ra những giải pháp hiệu quả, cùng chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn.
Nhóm Phóng viên CQTT TP.HCM, nguồn: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/tao-suc-bat-cho-nganh-cao-su-624774/, ngày 16 – 17/11/2020 (HB trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>