Tin tức

Tái canh cây cao su tại Bình Thuận

27/08/2018

 Cây cao su đang vào vụ khai thác, tuy nhiên nhiều hộ dân ở Đông Giang, La Dạ (tỉnh Bình Thuận) không đi cạo. 


 Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, tính đến tháng 7, tại 2 xã này mới khai thác được hơn 3,6 tấn mủ. Nguyên nhân nào khiến người dân ngưng thu hoạch và giải pháp giúp người dân có định hướng tốt nhất trước những diễn biến bất lợi như hiện nay…

Sản lượng mủ đạt thấp                                          
Làm việc với Chủ tịch UBND xã Đông Giang – ông Nguyễn Như Diễn được biết: Toàn xã hiện có khoảng 350 ha cao su, trong đó gần 156,6 ha do Nhà nước hỗ trợ. Mấy năm trước khi giá thu mua mủ tăng cao, lên Đông Giang vào mùa này rất khó gặp người dân vì họ đang tập trung trong các vườn, rẫy để cạo mủ cao su. Nhưng cũng vì cạo không đúng quy trình, thời gian và không đầu tư, chăm sóc nên vườn cây cao su kém phát triển, khiến cây ít mủ, thời gian cho mủ ngắn. Thậm chí nhiều vườn cho mủ rất ít, chất lượng kém. Sản lượng bình quân của niên vụ này chỉ đạt khoảng 5,2 tạ/ha. Thêm vào đó năm nay mưa muộn làm cho việc triển khai mở miệng cạo chậm so với năm trước, đầu tháng 07/2018 ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa kéo dài làm ướt miệng cạo dẫn đến cạo không đều và hiện giá mủ cao su đang thấp, nên người dân không muốn đi cạo.
Chị K’Thị Thủy buồn bã nói: Tôi trồng 1 ha cao su đã 10 năm tuổi, mấy năm trước, mùa thu mủ trung bình 1 ha cạo được 40 kg từ đêm đến sáng nhưng nay chỉ còn khoảng 20 kg. Không chỉ vườn cao su của tôi giảm lượng mủ mà các vườn lân cận cũng vậy.
Sang xã La Dạ cũng gặp tình cảnh tương tự trên, số hộ bỏ vườn khá nhiều do sản lượng mủ không đạt. Đó là hậu quả tất yếu khi trong một thời gian dài người dân cạo liên tục để ép cây lấy mủ, cạo phạm nên một số cây không còn mạch cạo, không tuân thủ quy trình khai thác là cứ 2 ngày nghỉ 1 ngày cạo làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và tuổi thọ của cây.  
Sẽ tái canh cây cao su
Năm 1997 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự có mặt của cây cao su tại 2 xã Đông Giang và La Dạ. Dự án này do Ban Dân tộc tỉnh triển khai với phương châm “Hộ có vườn, có lao động, có việc làm, tăng thu nhập và xen canh lấy ngắn nuôi dài”, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc có nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, nâng cao độ che phủ của rừng. Trong những năm qua, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo, hướng dẫn các hộ đồng bào trồng, chăm sóc 250,84 ha cây cao su (trong dự án). Tuy nhiên, mới trên 15 năm (đạt 3/4 thời gian so với thời gian khai thác tối thiểu) nhưng một số diện tích vườn cao su đã bị kiệt, không ra mủ hoặc ra mủ ít; sản lượng, chất lượng mủ  thấp; không còn hiệu quả kinh tế hoặc không thể khai thác được do đã hết mặt cạo. Vì thế UBND tỉnh có chủ trương xây dựng “Đề án tái canh cây cao su (250 ha) trồng theo Chương trình 327 trên địa bàn xã Đông Giang, La Dạ”, góp phần nâng diện tích cao su toàn tỉnh đạt 45.850 ha vào năm 2020.
Việc tái canh cây cao su phải được 100% hộ đồng bào đồng tình, tự nguyện đăng ký tham gia. Thời gian tái canh dự kiến bắt đầu từ năm 2020 và kết thúc vào năm 2025; đảm bảo theo từng lô, khoảnh, không làm manh mún theo từng hộ. Sử dụng giống cao su theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, chú trọng các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán và thích nghi với vùng đất Đông Giang, La Dạ như PB 260,  RRIV 4, Lai hoa. Trung tâm Dịch vụ miền núi sẽ có nhiệm vụ thu mua mủ cao su cho các hộ đồng bào dân tộc...
Khi nghe thông tin có đề án tái cơ cấu cây cao su, ông Nguyễn Như Diễn chia sẻ: Trên thực tế, dù trải qua không ít những thăng trầm, nhưng cao su vẫn là một trong những loại cây trồng được đánh giá giúp nông dân thoát nghèo, có chỗ đứng quan trọng trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp tại xã. Ngoài lý do thời gian khai thác dài ngày trong năm giúp đồng bào có thêm thu nhập những lúc hoa màu mất mùa vì mưa lũ, hạn hạn, thì thổ nhưỡng vùng này rất chịu cây cao su. Nếu chăm sóc và khai thác đúng quy trình hướng dẫn chắc chắn người dân sẽ có tiền tích lũy, nâng cao thu nhập. Trên cơ sở đó, xã cũng sẽ tổ chức họp các hộ dân quán triệt chủ trương của tỉnh, huyện để hộ dân thấy được sự cần thiết của việc tái canh, phương thức thực hiện, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia.
Thùy Linh, nguồn: http://www.baobinhthuan.com.vn/vi-vn/print.aspx?id=110121, ngày 21/8/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>