Tin tức

Sáng chế nhỏ – hiệu quả lớn

16/04/2018

 Anh Trần Văn Long, sinh năm 1989, là công nhân khai thác mủ cao su thuộc Ðội 1 Nông trường Cao su Xa Mát với hơn 3 năm tuổi nghề. Với niềm đam mê khám phá, Long đã tìm tòi, sáng tạo để nâng cao hiệu quả của việc khai thác mủ cao su, đặc biệt là khai thác mủ cao su vào mùa mưa.


 

Triển khai kỹ thuật gắn máng chắn mưa trên cao cho các đơn vị thuộc Công ty CP Cao su Tân Biên, Tây Ninh.
Việc gắn máng chắn mưa cho miệng cạo cây cao su khi khai thác mủ trong mùa mưa nhằm ngăn dòng chảy của nước mưa, làm miệng cạo nhanh khô để giữ được nhịp điệu cạo và tiến hành cạo mủ được ngay sau khi cơn mưa vừa dứt.
Ngoài ra, nhờ có máng chắn mưa, miệng cạo không bị ẩm ướt nên giảm được lượng mủ thất thoát do bị chảy tràn và còn ngăn ngừa được sự lây lan bệnh loét miệng cạo do nấm bệnh gây nên.
Thực hiện quy trình gắn máng chắn mưa không khó, nhưng Nông trường Cao su Xa Mát thành lập đã lâu nên vườn cây hầu hết đều là cây lâu năm, rất cao, đã vào thời kỳ sắp thanh lý nên việc khai thác mủ rất khó khăn.
Mỗi công nhân làm công việc khai thác mủ vào mùa mưa đều phải có một chiếc thang để trèo lên gắn máng chắn mưa ở độ cao 3,5 – 4m, điều kiện làm việc như thế tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và mất rất nhiều thời gian.
Từ những hạn chế trên, anh Long đã suy nghĩ tìm ra giải pháp khắc phục và thử nghiệm trên phần diện tích cao su do anh phụ trách khai thác.
Sau 3 lần sáng tạo, thử nghiệm và cải tiến, anh đã hoàn chỉnh được dụng cụ gắn máng chắn mưa trên cao một cách hiệu quả. Lần đầu, anh Long làm một cái móc bên trái để nâng góc hậu của máng lên cây nhưng hay bị lật ngược ra ngoài.
Lần thứ hai, anh hàn nối ở chỗ bấm ghim một cái móc nhưng lại mất thời gian móc máng và dụng cụ không được đẹp. Ðến lần thứ ba, anh Long thay móc bằng một ống tuýp phi (Ф) 21mm bên phải của dụng cụ làm máng, khi người sử dụng bấm được góc tiền của máng sẽ dùng ống tuýp đã hàn bên phải dụng cụ làm máng ép dần từ góc tiền lên góc hậu của máng chắn mưa rồi tiếp tục thao tác bấm ghim.
Sau khi thử nghiệm nhiều lần thành công và mang lại hiệu quả cao, anh Long cùng cán bộ kỹ thuật Ðội báo cáo lên Ban Giám đốc Nông trường, được tạo điều kiện kiểm nghiệm, phổ biến cho toàn Nông trường Cao su Xa Mát.
Ðến nay, sáng kiến này đã triển khai áp dụng trên phạm vi toàn Công ty. Ngoài ra, một số công ty trong ngành như Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Phước Hoà, Tổng công ty Cao su Ðồng Nai, Công ty Cao su Tây Ninh… cũng đến tham quan, học tập và xin chuyển giao bản mô tả sáng kiến để thực hiện.
Quá trình triển khai tập huấn cho các đơn vị trên thực địa, thao tác sử dụng sáng chế gắn máng chắn mưa trên cao cho cây cao su của anh Trần Văn Long cho thấy với 550 cây cao su/ha chỉ cần 2 lao động thực hiện trong 9 giờ (bình quân 35 giây/cây) với chi phí 1.650.000 đồng (3.000 đồng/dụng cụ gắn máng che mưa), năng suất lao động đạt 178% so với phương pháp dùng thang leo lên gắn máng chắn mưa.
Trong khi đó, nếu dùng thang cũng với 2 lao động phải mất đến 16 giờ/ha và chi phí đến 2.750.000 đồng (5.000 đồng/cây). Ðiều quan trọng hơn hết là sáng kiến này đã cải thiện được điều kiện làm việc cho người lao động do công nhân đứng dưới đất thực hiện thao tác gắn máng chắn mưa, không phải leo thang và xoay trở khó khăn trên thang khi gắn máng nên quá trình lao động bảo đảm an toàn hơn. Mặt khác, tất cả mọi người đều dễ dàng thực hiện thao tác gắn máng một cách hiệu quả, áp dụng đại trà cho tất cả các vùng cao su có độ cao nhất định.
Bà Lê Thị Hồng Yến, Giám đốc Nông trường Cao su Xa Mát cho biết: “Hằng năm, Công ty Cao su Tân Biên đều phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo cho toàn thể cán bộ, công nhân nhằm cải tiến năng suất, chất lượng trồng, khai thác cao su.
Qua đó, công nhân của Nông trường đã có những sáng kiến, đề xuất có giá trị. Nhưng cho đến thời điểm này, đề xuất “Sáng chế dụng cụ gắn máng chắn mưa trên cao cho cây cao su” của anh Trần Văn Long là có giá trị thực tế về mặt kinh tế, xã hội cao nhất, dù thoạt nhìn sáng kiến này rất đơn giản, không đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật.
Có thể nói, đây là sáng kiến nhỏ nhưng hiệu quả lớn khi áp dụng vào sản xuất. Sáng kiến này đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh, và tiếp theo là giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, không chỉ đem lại niềm tự hào cho anh Long mà cho cả Nông trường.
Phát huy tinh thần thắng lợi này, Nông trường chúng tôi sẽ động viên lực lượng cán bộ, công nhân tiếp tục sáng tạo cũng như tích cực tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh nhà, không chỉ vì lợi ích của Công ty mà còn vì phong trào lao động sáng tạo chung của địa phương”.
Anh Trần Văn Long khiêm tốn cho biết: “Ðây là niềm vui rất bất ngờ đối với tôi. Mọi sáng tạo chỉ là muốn cho công việc của chính mình thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, nhưng không ngờ lại được đánh giá cao. Tôi rất hạnh phúc”.
Tháng 4 này, khi cả nước hướng về kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 lịch sử, anh Long sẽ được Công ty CP Cao su Tân Biên tạo điều kiện ra Hà Nội nhận giải, để cùng gặp gỡ, giao lưu với những nhà sáng chế không chuyên trong cả nước. Ðó sẽ là nguồn động viên rất lớn để anh tiếp tục những đam mê của mình và có thêm nhiều giải pháp mới, sản phẩm mới.
Hải Âu, nguồn: http://baotayninh.vn/sang-che-nho-hieu-qua-lon-a97403.html, ngày 09/4/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>