Tin tức

RCEP là động lực phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid-19

29/06/2020

Các bộ trưởng từ 15 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại hội nghị trực tuyến ngày 23/6/2020 đã tái khẳng định quyết tâm hoàn thành ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, bất kể sự vắng mặt của Ấn Độ. Mặc dù vậy, cánh cửa để Ấn Độ quay lại RCEP vẫn luôn được mở rộng.


 

Việc hoàn tất ký kết RCEP trong năm nay sẽ đóng vai trò là tín hiệu rõ ràng về sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đối với hệ thống thương mại đa phương, hội nhập khu vực cũng như phát triển kinh tế trong khu vực. (Nguồn: China Daily)
Trong một tuyên bố chung sau Hội nghị RCEP lần thứ 10, các bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ và thịnh vượng cho khu vực. Do đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng RCEP vẫn mở cửa chào đón Ấn Độ”.
10 thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, vào tháng 11 năm ngoái, đã hoàn tất toàn bộ tiến trình đàm phán, cũng như cơ bản đạt được sự nhất trí về văn bản thỏa thuận, nhưng tiến trình này thiếu vắng Ấn Độ.
Quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới đã đơn phương rời khỏi bàn đàm phán, cũng như bỏ qua các cuộc đàm phán cấp độ chuyên viên tiếp theo, do lo ngại rằng việc mở cửa thị trường tự do cho các thành viên khác của RCEP sẽ khiến thâm hụt thương mại giữa quốc gia này và Trung Quốc ngày càng tăng lên. 
Tầm quan trọng của Ấn Độ trong RCEP
Ấn Độ đã rút khỏi RCEP vào tháng 11 năm ngoái, do đề xuất của nước này về biện pháp phòng vệ chống sự gia tăng đột biến hàng hóa nhập khẩu, cùng với một số đề xuất khác, không được các đối tác tiềm năng giải quyết, trong đó có cả Trung Quốc.
Ngay cả khi không có RCEP, thâm hụt thương mại hàng hóa của Ấn Độ với Trung Quốc đã ở mức 53,6 tỷ USD trong tài khóa 2019, bằng gần 1/3 tổng thâm hụt thương mại của New Delhi. Thâm hụt của Ấn Độ với tất cả các thành viên RCEP tiềm năng (bao gồm cả Trung Quốc) cũng lên tới 105 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Trước đó, trong tháng 6/2020, các quan chức Chính quyền Ấn Độ khẳng định nước này chưa sẵn sàng sớm phản hồi lời đề nghị của RCEP về việc tham gia trở lại đàm phán với các điều khoản thuận lợi hơn so với trước, đặc biệt là khi ngành công nghiệp và nông dân Ấn Độ đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. 
Các thành viên RCEP như Nhật Bản và Australia đã nỗ lực thuyết phục Ấn Độ trở lại bàn đàm phán trong vài tuần qua. Tuy nhiên, New Delhi đã nói rõ rằng hiện không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra câu trả lời khi mà cả nền kinh tế trong nước và lẫn kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn khó đoán định vì đại dịch hoành hành.
Ấn Độ cũng đã tuyên bố không thể vội vã xem xét lại lập trường của mình về RCEP, bằng việc từ chối đề cập đến vấn đề khôi phục đàm phán RCEP tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tháng 6/2020 giữa Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Australia Scott Morrison. 
Ngành công nghiệp và người nông dân Ấn Độ lo ngại nếu gia nhập RCEP, thị trường nội địa sẽ tràn ngập các sản phẩm giá rẻ được sản xuất từ Trung Quốc và các sản phẩm nông nghiệp và sữa từ Australia và New Zealand, do các quy định về cắt giảm thuế nhập khẩu.
Tháng trước, các nước RCEP đã chuyển cho Ấn Độ một đề xuất để tham gia trở lại tiến trình đàm phán với các điều khoản dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Các quan chức của một số quốc gia thành viên đã gặp các đại diện Bộ Công thương Ấn Độ để giải thích rằng Ấn Độ không cần thực hiện bất kỳ cam kết nào về tiếp cận thị trường vào lúc này nếu không thoải mái và có thể trì hoãn đưa ra quyết định, trong khi nhất trí với các khía cạnh khác của hiệp định như đầu tư, thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định với Business Line rằng mặc dù Ấn Độ được chọn cách trì hoãn đưa ra quyết định về tiếp cận thị trường, New Delhi sớm muộn cũng sẽ phải thực hiện các cam kết. Ấn Độ chỉ có thể quay lại bàn đàm phán khi có một thỏa thuận giữa tất cả các bên liên quan về những cam kết mà mình sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ hội để tổ chức các cuộc đàm phán như vậy vào thời điểm hiện tại.
Cho đến nay, một điều gần như chắc chắn là dù có hay không có sự tham gia của Ấn Độ thì RCEP vẫn đang đi đúng lộ trình hiện thực hóa. Tuy nhiên, việc khẳng định mong muốn Ấn Độ quay trở lại RCEP trong tuyên bố chung của hội nghị ngày 23/6 cho thấy tầm quan trọng của quốc gia này đối với hầu hết các thành viên tham gia hiệp định.
RCEP sẽ là "liều thuốc" cho các nền kinh tế
Tiến sỹ Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), nhận định: “Khi nền kinh tế khu vực đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, chúng ta cần một cơ chế hội nhập khu vực sâu rộng hơn nữa để nhanh chóng hồi phục các nền kinh tế thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư”. 
Trong tuyên bố chung của hội nghị ngày 23/6, các bộ trưởng cho biết đại dịch Covid-19 “tạo ra một thách thức chưa từng có đối với thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần có một phản ứng phối hợp cấp độ toàn cầu”.
Các bộ trưởng tin rằng việc hoàn tất ký kết RCEP trong năm nay sẽ đóng vai trò là tín hiệu rõ ràng về sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đối với hệ thống thương mại đa phương, hội nhập khu vực cũng như phát triển kinh tế trong khu vực.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee đánh giá, Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và cả tính mạng của người dân cũng như hệ thống thương mại đa phương trên toàn cầu.
Ông Myung-hee nêu rõ: “Hội nghị RCEP lần này sẽ là cơ hội để các quốc gia khẳng định sẽ sớm vượt qua dịch bệnh và khôi phục cơ chế thương mại đa phương vốn đã bị tổn hại vì Covid-19”.
Trải qua nhiều vòng đàm phán kể từ năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại, ngay từ ban đầu RCEP đã được đánh giá là một hiệp định thương mại đa biên lớn nhất thế giới, vượt qua cả quy mô của Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tạp chí Australia Financial Times phân tích, các bên tham gia ký kết các thỏa thuận lớn như RCEP đã phải chấp nhận đánh đổi nhiều ưu và nhược điểm. Đó là lý do vì sao RCEP đã rất khó khăn để “về đích”. Một thỏa thuận phù hợp với những đòi hỏi có phần “chuyên biệt” của Trung Quốc, trong khi cũng đã cố gắng, mặc dù thất bại, để thỏa mãn cả những “đòi hỏi” của Ấn Độ.
Một số ý kiến cho rằng RCEP không có chiều sâu được như CPTPP, nhưng không thể phủ nhận việc tiếp cận thị trường thông qua RCEP đã được nâng cấp hơn nhiều lần so với bất kỳ một thỏa thuận đa phương nào khác đã được ký kết.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định ký kết RCEP là ưu tiên cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoại khối trong năm 2020. Theo ông Lim Jock Hoi, RCEP vẫn luôn được xem là một sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các quốc gia thành viên và 6 quốc gia đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Việc cùng tham gia RCEP sẽ thúc đẩy thương mại trong toàn nhóm bằng cách giảm thuế, chuẩn hóa các quy tắc và thủ tục hải quan và mở rộng tiếp cận thị trường, nhất là giữa các quốc gia không có thỏa thuận thương mại hiện có.
Mai Ly (theo Australia Financial Times), nguồn: https://baoquocte.vn/rcep-la-dong-luc-phuc-hoi-kinh-te-toan-cau-hau-covid-19-118410.html, ngày 28/6/2020 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>