Tin tức

Quảng Bình: Lan tỏa nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

18/02/2019

 Xác định việc xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn đa dạng về các giống cây trồng, vật nuôi, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, từ đó tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh...


 Theo ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, các mô hình khuyến nông được đơn vị triển khai thực hiện nhằm mục đích giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật về các giống cây trồng, vật nuôi mới, đồng thời giúp cho người dân các địa phương tiếp cận với phương pháp phát triển sản xuất theo định hướng thị trường. 

Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và một số đơn vị, trong năm 2018, Trung tâm đã triển khai thực hiện 21 mô hình và 4 chương trình hỗ trợ, trong đó, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm được đánh giá cao về tính hiệu quả và bền vững.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động khuyến nông, Trung tâm đã thực hiện 13 mô hình và 3 chương trình trên các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp có 5 mô hình và 3 chương trình hỗ trợ; trong đó, 2 mô hình chuyển đổi, gồm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai lang Hoàng Long, chuyển đổi trồng dứa nguyên liệu trên đất cao su, 3 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm đối với cây cam tại huyện Tuyên Hóa, cây bơ tại huyện Bố Trạch, trồng cà gai leo dưới tán cao su tại xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch) và 3 chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô, lạc, rau an toàn VietGAP theo hướng công nghệ cao.
Các mô hình, chương trình được triển khai bảo đảm thời vụ, tiến độ, mục tiêu và yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và nông dân.
Mô hình trồng cà gai leo dưới tán cao su mở ra hướng đi mới trên vùng gò đồi Bố Trạch.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm đã thực hiện 3 mô hình hỗ trợ, bao gồm mô hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi cho lợn sạch, gà sạch và hỗ trợ mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu.
Đối với mô hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi được thực hiện theo quy trình thực hành chăn nuôi an toàn VietGAP, tỷ lệ nuôi sống lợn đến lúc xuất chuồng đạt 97%, trọng lượng lợn xuất chuồng đạt 100kg/con; tỷ lệ nuôi sống gà đạt 95%, trọng lượng gà xuất chuồng đạt bình quân 1,8kg/con.
Mô hình cũng đã tạo được sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ hộ chăn nuôi đến các tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm, tạo đà cho chăn nuôi phát triển bền vững.
Đối với mô hình hỗ trợ HTX kinh doanh và dịch vụ Hưng Phát tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), sản phẩm thịt thỏ Ruby của HTX đưa ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc đóng gói có logo, nhãn mác và truy xuất được nguồn gốc qua tem QR-code.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Trung tâm thực hiện 5 mô hình, gồm các mô hình nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trên vùng ruộng trũng phá Hạc Hải (Lệ Thủy), mô hình nuôi ốc hương trên ao cá lót bạt tại huyện Bố Trạch và mô hình nuôi cá chình lồng tại TP. Đồng Hới, nuôi cá chạch trong ao đất lót bạt tại xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) và nuôi lươn trong bể không bùn tại huyện Bố Trạch, bước đầu được đánh giá cao.
Thành công của các mô hình đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi các vùng trồng lúa bị nhiễm mặn kém hiệu quả và đa dạng hóa đối tượng thủy đặc sản theo các phương thức nuôi trồng mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị, dự án triển khai nhiều mô hình, như: trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô, tỷ lệ cây sống trên 95%, cây sinh trưởng và phát triển tốt; mô hình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị, bao gồm các hạng mục trồng mới, tưới nhỏ giọt và chăm sóc năm thứ 2, cây sinh trưởng và phát triển khá; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sấy, bảo quản và xử lý nấm mốc nguyên liệu mây, tre cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ với số lượng 3 lò sấy; hỗ trợ mô hình sinh kế tại các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) và thực hiện 3 mô hình sinh kế cho người nghèo gồm nuôi ong lấy mật, nuôi ếch thương phẩm và trồng mướp đắng an toàn..., góp phần mang lại sinh kế bền vững cho người dân.
Cũng theo ông Lê Hồng Viễn, trên cơ sở bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ chú trọng xây dựng và triển khai hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ dân sinh; ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định cho bà con; đồng thời chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp để liên kết tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng...


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>